Bloomberg nói Việt Nam thiếu 4 tỷ USD phát triển cảng biển, Vinalines nói gì?

30/11/2019 11:30 GMT+7
Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam hiện thiếu 4 tỷ USD để phát triển cảng biển. Về vấn đề này, lãnh đạo Vinalines cho rằng hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay vẫn đang đảm đương tốt việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, chưa rơi vào tình trạng quá tải.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về đánh giá của Bloomberg về việc Việt Nam hiện thiếu 4 tỷ USD để phát triển cảng biển.

Theo Bloomberg đánh giá năng lực vận tải bằng container của Việt Nam cần phải tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng 10-12% của thập niên vừa qua để đáp ứng với nhu cầu tăng dần. Cho đến nay, Việt Nam chưa đủ các hợp đồng đầu tư lớn cho cảng biển.

Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, là một đơn vị chủ lực vận tải biển cũng như đang quản lý các cảng biển lớn của Việt Nam, Vinalines nhận thấy hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay vẫn đang đảm đương tốt việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các cảng biển của Việt Nam chưa rơi vào tình trạng quá tải.

Cảng biển Việt Nam đảm đương tốt xuất nhập khẩu hàng hoá - Ảnh 1.

Cảng biển Việt Nam đảm đương tốt xuất nhập khẩu hàng hoá

Cụ thể như ở khu vực phía Bắc, việc mới đưa vào cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) đã nâng cao năng lực cảng biển lên khá nhiều, hiện cảng Lạch Huyện vẫn đang dư thừa công suất. Khu vực phía Nam, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đang đáp ứng tốt nhu cầu trong nhiều năm nữa.

"Hiện hàng hóa qua các cảng biển của Việt Nam mỗi năm khoảng 18 triệu TEU (twenty-foot equivalent units) nhưng theo quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2030, sẽ nâng lên 30 triệu TEU, thậm chí 40 triệu TEU, khi đó Việt Nam sẽ phải đầu tư thêm một số cảng nữa tại phía Bắc cũng như phía Nam để đáp ứng nhu cầu," đại diện lãnh đạo Vinalines cho hay.

Về năng lực vận chuyển container, đại diện Vinalines cho biết trong chiến lược phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, việc nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng container cũng được Vinalines xây dựng và đầu tư.

Hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển của Việt Nam khoảng 18 triệu TEU, phần lớn trong số này lại chủ yếu do tàu mang quốc tịch nước ngoài đảm nhận.

Việt Nam hiện có 39 tàu vận chuyển container với tổng tải trọng khoảng 30.000 TEU; trong đó Vinalines có 11 tàu. Như vậy, đội tàu container của Việt Nam mỗi năm vận chuyển được khoảng từ 1,2-1,3 triệu TEU.

Như vậy, so với tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển mỗi năm khoảng 18 triệu TEU thì đội tàu container của Việt Nam đảm nhận chưa được 10%.

Chia sẻ về chiến lược phát triển đội tàu container, đại diện Vinalines cho hay việc phát triển đội tàu container phụ thuộc rất nhiều yếu tố; trong đó việc tạo lập tuyến mang tính quốc tế rất khó khăn.

Bởi lẽ hiện nay, các tuyến vận chuyển container chính trên thế giới đều do các tập đoàn lớn của nước ngoài với tiềm lực tài chính lớn và kinh nghiệm thực hiện từ nhiều năm trước đó. Do đó, để tạo ra những tuyến vận chuyển container quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển đội tàu container, đòi hỏi Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tầm nhìn từ Chính phủ để bắt đầu xây dựng những tuyến vận chuyển container quốc tế ngay từ bây giờ.

Một tàu container có thể vận chuyển đi các tuyến quốc tế với tải trọng khoảng 20.000 TEU đòi hỏi số tiền đầu tư rất lớn nên doanh nghiệp trong nước khó có khả năng đầu tư.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục