dd/mm/yyyy

Bơ booth giảm giá, nông dân rớt nước mắt

Khoảng vài năm trở về trước, bơ booth, loại trái cây được ví như cây “hái ra tiền” đối với hàng nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên thì năm nay, giá cây ăn trái này bỗng tụt dốc thảm hại khiến nhiều nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”…

Nông dân Quảng Nam thấp thỏm vì vụ ớt rớt giá Nông dân lo lắng vì rau rớt giá Nhiều chủ vườn lao đao vì cà phê mất mùa, rớt giá Sầu riêng rớt giá, nhà vườn kêu “trời”

Giá rớt thê thảm

Năm 2015, nhận thấy cây bơ booth cho hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Đình Tuấn (trú tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua cây giống về trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái khác trên diện tích hơn 1ha đất rẫy của gia đình. 3 năm sau, vườn bơ booth đã cho gia đình ông thu nhập mỗi vụ hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đặc biệt là vụ bơ năm 2020, giá loại cây này bỗng “tụt dốc” thảm hại khiến gia đình bị lỗ nặng sau trừ các khoản chi phí, chăm sóc. “Năm đó, thấy thương lái lùng mua bơ booth với giá cao gấp 2-3 lần bơ thường, cơm cũng ngon, dẻo nên tôi đi mua cây giống về trồng. Năm ngoái, giá thương lái thu mua tại vườn còn đạt 30.000-35.000 đồng/kg, nếu mình tự cắt mang bán thì được 50.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, vào vụ bơ năm nay giá chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg đối với loại to đẹp, da bóng bẩy; loại nhỏ và xấu chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí thì mình bị lỗ nặng”, ông Tuấn nói.

Bơ booth giảm giá, nông dân rớt nước mắt - Ảnh 1.

Trong khi người nông dân lao đao vì cây bơ booth thì hơn 10ha bơ của gia đình ông Mười vẫn có đầu ra ổn định vì nắm bắt được xu thế thị trường.

Cũng vì thấy lợi trước mắt, năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Nhung (trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đã đầu tư hơn 50 triệu đồng tiền mua giống bơ booth về trồng. Sau 3 năm, khi vườn bơ bắt đầu cho thu bói cũng là thời điểm giá bơ rớt thê thảm. Để bù lại, những ngày này chị Nhung phải tự vào vườn hái bơ mang đi bán.

“Nếu như năm ngoái, loại bơ này có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg và rất dễ bán thì năm nay, ngoài việc giá quá thấp thì cánh thương lái tìm mua cũng rất ít. Những ngày qua, vì thương lái trả giá quá rẻ chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg nên nhiều người dân đã bỏ mặc vườn cây không thèm bán, nhiều người còn để bơ rụng cho bò ăn” chị Nhung than thở.

Cũng lâm hoàn cảnh tương tự, năm 2017, gia đình ông Nguyễn Chính Luận (trú tại thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua giống bơ booth về trồng trên diện tích hơn 10ha đất. Bước vào vụ thu bói năm nay, sản lượng gia đình ước đạt hơn 5 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vườn bơ đã đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình ông vẫn tìm cách treo trái trên cây chỉ vì giá quá rẻ.

“So với thời điểm năm ngoái, bơ booth bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg thì vườn bơ cho thu nhập hơn 250 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thì mình vẫn có lãi. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay giá bơ thương lái chỉ trả từ 5.000-7.000 đồng/kg, thậm chí có loại 1.000-3.000 đồng/kg nên mình không muốn bán. Để cứu vãn, mình chỉ còn cách neo trái trên cây chờ lên giá.

Tuy nhiên, để neo được trái, gia đình phải mua các loại phân về bón, chi phí cũng hơn 10 triệu đồng. Với giá bơ đổ dốc không phanh như thế này thì thu không đủ bù các khoản chi phí là cái chắc”, ông Luận buồn bã nói.

Cung vượt cầu

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Bơ Mnông (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do nông dân trồng quá nhiều, trong khi đó các yếu tố bảo đảm đầu ra không có, chủ yếu bỏ không cho thương lái. Chính vì thế, khi cung vượt cầu, tất yếu sẽ đẩy giá xuống.

Cũng theo ông Hưng, những năm trước đây, khi giống cây bơ booth còn khan hiếm, người nông dân phải đi mua giống ở các đại lý nhưng từ khi giống cây này được người dân lai ghép dễ dàng thì bắt đầu xuất hiện tình trạng trồng tràn lan, không theo quy hoạch.

“Chỉ tính đơn giản như tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, nếu như vào tháng 6/2018, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 2.600ha bơ được trồng bằng nhiều loại khác nhau, tổng sản lượng khoảng 12.000 tấn nhưng đến thời điểm này, điện tích bơ đã tăng lên gấp 3 lần. Trong khi đó, cách thức tiêu thụ chủ yếu còn theo kiểu truyền thống là thông qua thương lái nên được mùa, sản lượng nhiều thì mất giá là điều đương nhiên”, ông Hưng phân tích.

Cũng theo lời ông Hưng, bơ booth so với các loại bơ khác có những ưu điểm như thời gian già treo quả trên cây kéo dài. Từ khi hái xuống đến lúc chín khoảng 5 đến 10 ngày, vỏ quả khá dày và cứng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa tiêu thụ nên rất được ưa chuộng. “Sở dĩ bơ booth được giá như trước đây là do giống bơ này thường cho quả trái vụ, nguồn cung không đủ cầu. Thế nhưng những năm gần đây, khi thấy giá bơ booth cao hơn các giống bơ khác nên nông dân đã đua nhau trồng nên gần như không còn khái niệm “bơ trái vụ””, ông Hưng nói.

Được mệnh danh là “Vua bơ” ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, ông Trịnh Xuân Mười (trú tại thôn 9, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, việc bơ rớt giá như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. “Với người nông dân Tây Nguyên chuyên trồng cây bơ booth thì năm nay sẽ rất khó khăn. Bởi trung bình, chi phí đầu tư, công chăm sóc cho 1ha bơ (khoảng 400 cây) tốn ít nhất khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, với giá cả hiện nay thì trung bình 1ha bơ booth, người dân chỉ thu hoạch được khoảng 50-70 triệu đồng/10 tấn bơ/năm”, ông Mười phân tích.

Cũng theo ông Mười, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rớt giá bơ booth trước hết là do ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ bơ nói chung, đặc biệt là bơ booth nói riêng giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc người dân đổ xô ồ ạt trồng bơ, phá vỡ quy hoạch nhưng không chú trọng đến công tác chăm sóc, chăm bón cho cây bơ booth chưa chuyên nghiệp, chưa đúng kỹ thuật. Điều này không chỉ khiến cho quả bơ không đảm bảo chất dinh dưỡng mà còn dễ bị sâu bệnh, côn trùng tấn công dẫn đến bơ bị hư hỏng, không đạt chất lượng.

“Để tránh tình trạng giá bơ booth giảm giá không phanh như hiện nay, người dân nên thành lập các hợp tác xã liên minh bơ và báo cáo cho các ban ngành địa phương để kết nối với các doanh nghiệp, đối tác khảo sát, sản xuất bơ theo từng vùng chuyên canh, phát triển cây bơ theo hướng bền vững. Để làm được điều này, trước hết người dân cần lựa chọn loại dòng bơ mà thị trường trong nước và trên thế giới ưa chuộng và có nhu cầu tiêu thụ nhiều. Mặt khác, người nông dân cần đồng lòng, đoàn kết cùng với các doanh nghiệp để tìm các đối tác, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu bơ thì chắc chắn sẽ không bị động trong việc tìm đầu ra như hiện nay”, ông Mười nói.

Chính nắm bắt được những yếu tố trên mà hơn 10ha bơ các loại của gia đình ông Mười vẫn được các đối tác thu mua, tiêu thụ đều đặn với giá chung 20.000 đồng/kg. Để hướng đến thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, thời gian gần đây ông Mười đã cải tạo nhiều diện tích bơ booth, thay bằng dòng bơ hass, bơ bin. Bản thân ông rất mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm và các loại giống bơ này đến người nông dân để cùng nhau đẩy mạnh thương hiệu bơ Đắk Lắk và tăng nguồn thu nhập.


Văn Thành