Bộ Công Thương bị "cảnh báo" gì khi bỏ hàng loạt dự án nhiệt điện than khỏi Quy hoạch?

17/10/2022 16:57 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo về quan điểm của Chính phủ liên quan đến một loạt đề xuất của Bộ Công Thương trong Quy hoạch điện VIII.

Chính phủ cảnh báo Bộ Công Thương khi loại bỏ 5 dự án nhiệt điện than

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về hoàn thiện Quy hoạch điện 8 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương bị "cảnh báo" gì khi bỏ hàng loạt  dự án nhiệt điện than khỏi Quy hoạch? - Ảnh 1.

Chính phủ cánh báo Bộ Công Thương về khía cạnh pháp lý khi loại bỏ hàng loạt dự án nhiệt điện than

Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương làm việc, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về số liệu nguồn điện mặt trời đưa vào quy hoạch.

Ngoài ra, đối với 5 dự án nhiệt điện than mà Bộ Công Thương loại bỏ, không đưa vào quy hoạch điện 8, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương "khẳng định các điều kiện pháp lý", "tuyệt đối không để xảy ra các khiếu kiện của nhà đầu tư đối với các dự án nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch".

Trước đó, Bộ Công thương vừa có Tờ trình 6328 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Trong đó, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW nhiệt điện than của 5 dự án nhiệt điện vào cân đối điện 8. Theo Bộ Công Thương đây là những dự án có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).

Bên cạnh việc loại bỏ các dự án nhiệt điện chạy than, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục đưa vào quy hoạch các dự án điện tái tạo dù cho Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra toàn diện các dự án này. Bộ Công Thương cho rằng, song song với đó hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ đề nghị Chính phủ tiếp tục đưa các dự án điện tái tạo này vào quy hoạch nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp bởi.

Theo Bộ Công Thương hiện nhiều dự án, nhà đầu tư đã chi tiền giải phóng mặt bằng đã phát sinh chi phí. Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư, Bộ đề xuất tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (giảm so với con số đã báo cáo do một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp).

Trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án nào có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật.

An Linh
Cùng chuyên mục