Bộ Công thương chỉ ra nhiều vấn đề trong hoạt động Thương mại điện tử

25/05/2020 14:18 GMT+7
Hàng giả, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng trên môi trường điện tử; hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội bùng nổ và khó điểm soát; khó khăn trong quản lý TMĐT có yếu tố nước ngoài; nhu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính là những vấn đề được Bộ Công thương đề cập đến trong Tờ trình gửi Chính phủ.
Nhiều vấn đề nảy sinh trong hoạt động Thương mại điện tử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Công thương cho hay, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành; các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Hiện nay, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.

Bộ Công thương cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 52, người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ để khách hàng có thể xác định các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, Nghị định vẫn chưa làm rõ các đặc tính nói trên bao gồm những thông tin gì.

Thứ hai, hoạt động TMĐT trên mạng xã hội đang bùng nổ và khó kiểm soát. Hoạt động TMĐT trên mạng xã hội có những đặc điểm không tương đồng với sàn giao dịch TMĐT; việc áp dụng quy định chung như hiện nay, thực tiễn cho thấy chưa phù hợp. Mạng xã hội khá đa dạng ở cách thức đăng bài, có thể là trên trang cá nhân, hoặc trên chuyên trang (fanpage), hoặc trên marketplace của facebook; mặt khác cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán, hay phương thức thanh toán cũng đa dạng, không thông qua sàn.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, cần có những yêu cầu cụ thể đối với đơn vị quản lý mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch thương mại điện tử trong văn bản ở mức Nghị định thay vì ở Thông tư như hiện nay. Đồng thời, bổ sung các quy định đặc thù riêng, khi giao dịch giữa các bên có thể được tiến hành ngoài tầm kiểm soát của đơn vị quản lý mạng xã hội.

Thứ ba, khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân thực hiện quảng bá, bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nhưng lại không hiện diện tại Việt Nam, điều này sẽ phát sinh vấn đề khi liên hệ với chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giải quyết, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm pháp luật cũng bất cập do khoảng cách địa lý và độ trễ thời gian.

Bên cạnh đó, với việc những sàn TMĐT lớn đều cho phép cá nhân và thương nhân nước ngoài mở tài khoản bán hàng và hỗ trợ khâu logistics, hiện nay người bán nước ngoài đã có thể dễ dàng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam, và hàng hóa lưu thông theo kênh này không chịu sự kiểm soát về chất lượng cũng như khó quản lý về thuế.

Bộ Công thương cũng cho biết, gần đây Bộ nhận được ý kiến quan ngại từ một số cơ quan, tổ chức cho rằng với vai trò ngày càng lớn của TMĐT trong hệ thống phân phối nói riêng và hoạt động kinh tế-xã hội nói chung, việc nhà đầu tư nước ngoài chi phối lĩnh vực TMĐT có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với hệ thống thương mại, thị trường sản xuất nội địa và vấn đề an ninh thông tin quốc gia. Cụ thể như nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác một lượng lớn dữ liệu của người dân và kiểm soát được một kênh thông tin quan trọng có tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất tiêu dùng trong tương lai; bất bình đẳng về quản lý hoạt động thương mại hàng hóa; quảng bá và bán tràn lan hàng nước ngoài, giảm tỷ lệ hàng nội địa và người bán hàng Việt, từ đó triệt tiêu hoạt động sản xuất trong nước,…

Thứ 4, nhu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm nhẹ gánh nặng tuân thủ cho các hình thái hoạt động TMĐT thô sơ. TMĐT đang trở thành xu hướng của doanh nghiệp và người mua sắm; tuy nhiên, hiện nay có nhiều đối tượng, đặc biệt là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp xây dựng website chỉ với mục đích đơn giản nhằm giới thiệu công ty, tổ chức, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, không có tương tác với người truy cập, không có đặt hàng trực tuyến trên website, hoạt động thương mại rất mờ nhạt.

Theo khảo sát của Bộ Công thương năm 2019, , có đến 49% các website này ở mức độ rất cơ bản, không có tương tác, không có đặt hàng trực tuyến, không cập nhật nội dung thường xuyên và chỉ đơn thuần giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp. Việc tiếp tục duy trì yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo đối với chủ sở hữu các website này là không cần thiết, mà có thể áp dụng hậu kiểm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hay áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/1/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan khác.

Phương Thảo (TH)
Cùng chuyên mục