Bộ Công Thương gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu

23/03/2020 19:21 GMT+7
Theo thông tin từ đại diện Bộ Công Thương, mới đây, cơ quan này đã ra quyết định gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Đến ngày 22/8/2019, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 2605/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Sau quá trình rà soát đối với 2 sản phẩm trên, ngày 16/3/2020, Cơ quan điều tra đã hoàn thành kết luận rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu

Theo đó, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Công Thương gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu - Ảnh 1.

Các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục bị gia hạn áp thuế phòng vệ

Các mã HS của 2 sản phẩm bị áp thuế trên gồm có: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.10; 7213.10.90; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

Cụ thể, mức thuế áp đối với sản phẩm phôi thép từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021 là 15,3%. Từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 ở mức 13,3%. Từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023 về 11,3%.

Đối với sản phẩm thép dài, mức thuế áp dụng từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021 là 9,4%. Từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 ở mức 7,9%. Từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023 về mức 6,4%.

Đối với cả 2 loại thép trên, từ ngày 22/3/2023 trở đi nếu không có thêm quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, mức thuế sẽ trở về 0%.

Được biết, căn cứ trên Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới, biện pháp tự vệ có thể được gia hạn nếu cơ quan điều tra xác định việc gia hạn là cần thiết. Mục tiêu nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước và ngành sản xuất trong nước đang có những điều chỉnh theo kế hoạch.

"Căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương, sau khi có yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước, những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng, khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ, tác động của biện pháp tự vệ đến các ngành sản xuất khác nếu được gia hạn.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Tương tự, trong một diễn biến mới đây, cũng nhằm mục đích phòng vệ thương mại, Cụ thể, ngày 18/3, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 881/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Indonesia.

Theo đó, các sản phầm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia sẽ bị áp dụng mức thuế tuyệt đối trong khoảng từ 2.889.245 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc từ tháng 10/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục