Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo bình thường từ 1/5

28/04/2020 05:39 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt.

Cụ thể, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, cho phép hoạt động xuất khẩu trở lại bình thường từ ngày 1/5.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế, đồng thời tăng cường giám sát để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo bình thường từ 1/5 - Ảnh 1.

Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay cho thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.

Bên cạnh đó, 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất cần ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được.

Cụ thể, xét sản lượng, nhu cầu gạo trong nước và lượng xuất khẩu dự kiến trong 4 tháng đầu năm, lượng gạo có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là khoảng 1,3 triệu tấn, chưa kể lượng hàng có thể bổ sung.

Trong khi đó, qua theo dõi của Bộ Công Thương trong 5 năm qua, năng lực thông quan của các cảng và cửa khẩu quốc tế hiện nay chưa thể xuất khẩu được 700.000 tấn gạo/tháng.

Do đó, kể cả tháng 5 xuất khẩu được 700.000 tấn gạo, lượng hàng tồn cho nửa đầu tháng 6 vẫn còn ít nhất 600.000 tấn, trước khi được bổ sung từ vụ hè thu.

Đồng thời, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới là Ấn Độ dự kiến sẽ cung ứng một lượng hàng tương đối lớn cho thị trường thế giới từ đầu tháng 5. Một số nước cũng đã chủ động tự túc nguồn cung lương thực, hoặc bổ sung dự trữ lương thực từ nhiều nguồn khác trong 1 tháng qua.

Theo Bộ Công Thương, khả năng hút hàng từ Việt Nam không còn đáng báo động như thời điểm cuối tháng 3.

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề an ninh lương thực, một số quốc gia như Philippines, Australia, Nhật Bản, Singapore, Mông Cổ, Lào... cũng đề xuất Việt Nam sớm khôi phục hoàn toàn xuất khẩu gạo vì ý nghĩa nhân văn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.

Lan Anh/Zing
Cùng chuyên mục