"Bố Hiệp" - mùa xuân của những đứa trẻ không biết Tết

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 25/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Những tấm lòng hảo tâm, những phần quà đầy ắp bánh kẹo cũng chẳng thể đem lại cho lũ trẻ ở mái ấm Thiên Thần một cái Tết đủ đầy đúng nghĩa... Có lẽ đối với chúng, mùa xuân chỉ đơn giản là "bố Hiệp" - người đã hơn 60 tuổi.
Bình luận 0

Lại một đêm ông Hiệp thao thức. Càng những ngày gần Tết, ông càng suy nghĩ nhiều, nhất là khi có đứa nhỏ nào hỏi: “Bố ơi, mẹ con là ai?”.

Thiên thần xa mẹ

98 đứa trẻ ở mái ấm Thiên Thần (phường Long Trường, quận 9, TP.HCM) đều gọi ông Bùi Công Hiệp là bố, vậy nên chúng an tâm rằng mình có bố rồi. Ở lớp, nghe các bạn nói mình không có bố mẹ, có đứa phụng phịu về thắc mắc, ông Hiệp lại bảo: “Mẹ Lan, mẹ Hạnh (bảo mẫu - PV) là mẹ các con mà”. Trẻ con nói xong quên ngay, chỉ có người lớn là nghĩ ngợi mãi.

Ông Hiệp cũng là người đã hiến tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2.500m2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng để xây mái ấm cho chính những trẻ bị bỏ rơi này.

img

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được nuôi tại trung tâm Thiên Thần. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Là người lính trở về từ chiến trường Campuchia, chứng kiến cảnh những đứa trẻ bị chiến tranh cướp mất người

thân, gữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ông Hiệp tự hứa với lòng nếu sống sót trở về nhất định sẽ xây mái ấm cho trẻ mồ côi.

Mấy chục năm sau xuất ngũ, từ bảo vệ đến chủ doanh nghiệp, ông Hiệp chưa bao giờ quên tâm nguyện năm nào. Một ngày ông bảo vợ: "Tôi với bà cũng có chút dư dả, bọn trẻ lớn rồi, giờ nuôi mấy đứa bé mồ côi". Bà đồng ý.

Ông dùng miếng đất mua bên quận 9 từ hồi còn là sình lầy, xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất cao thêm 2m để xây mái ấm Thiên Thần. Ông dùng thu nhập từ xưởng cơ khí để duy trì mái ấm.

Ông Hiệp đặt tên cơ sở là Thiên Thần bởi ông tin vào những thiên thần hộ mệnh, luôn tới dẫn dắt con người trong những lúc gian nan nhất. Dù bị bỏ rơi, nhưng các thiên thần sẽ hộ mệnh cho em thành người.

img

Mỗi đứa bé đến với Thiên Thần là một câu chuyện đặc biệt. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Không hành trình nào của chúng tìm đến nơi này không đặc biệt. Ông Hiệp nhớ như in ngày bé Băng Tâm đến với mái ấm Thiên Thần. Người phụ nữ trẻ có vẻ mặt xanh xao, nói trong tiếng nấc: “Con và chồng đều là người có H (HIV), giai đoạn cuối”.

Nhìn cô bé quấn trong cái tã còn đỏ hỏn, tình thương lẫn với nghi ngại dấy lên cùng một lúc. “Nhỡ chẳng may bé có vấn đề gì sẽ rất khó chăm sóc chung cùng với bọn trẻ”, một cô bảo mẫu nói nhỏ vào tai ông Hiệp. Ông nói: "Không sao, cứ để tôi chăm sóc, còn chuyện sinh tử là chuyện số phận".

img

Băng Tâm (thứ hai từ phải qua) chơi đùa cùng các bạn tại mái ấm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Băng Tâm về với mái ấm được vài ngày thì cha mất, cô bảo mẫu bồng bé về chịu tang 3 ngày. Mấy tháng sau, qua vài lần tới lui xét nghiệm, kết quả Băng Tâm âm tính với H. Bác sĩ nói đây là trường hợp hi hữu, như một phép màu.

Băng Tâm tên đầy đủ là Dương Nguyễn Băng Tâm, con bé còn được mang họ của cha và mẹ. Còn Kì Tâm, em mang họ Bùi của ông Hiệp, bởi mẹ bỏ em trước cửa trung tâm, đúng đêm mùng 2 Tết.

Không tiếng chuông cửa hay cuộc gọi nào, Kì Tâm còn chưa rụng rốn, được quấn trong chiếc khăn bông đã cũ, da nhăn nheo tím tái giữa đêm Sài Gòn lạnh lẽo. Đến giờ nhớ lại, ông Hiệp vẫn còn day dứt vì: “Sao tôi không phát hiện ra con bé sớm hơn”.

Sau lần đó, ông Hiệp càng ít ngủ vì ông mình sợ nếu say giấc, một đứa trẻ có thể đã bị bỏ lại cổng. Quanh đó, có những đàn chó hoang luôn rình rập. Mẹ của 4 anh em cùng sống ở mái ấm Thiên Thần lại là câu chuyện khác. Cô gái có thai, mỗi bé một ông bố, chẳng ai chịu trách nhiệm.

Từ Cà Mau, cô gái lên ngồi đến tận nửa đêm ở cửa mái ấm. Ông Hiệp thấy chó sủa, soi đèn đi ra. Đầu tiên ông còn tưởng là khách đi đường, đến khi ra hỏi thì cô gái mếu máo bảo: “Con sợ chú không nhận”.

Rồi cứ cách khoảng 3 năm cô lại lên một lần, mỗi lần ẵm theo một đứa trẻ. Giờ đứa lớn nhất đã lên 10, đứa nhỏ nhất mới tập bò. 4 anh em vẫn được sống chung cùng một mái nhà, chỉ có điều là không có hơi ấm của mẹ.

Tình người trong mất mát

Mỗi đứa trẻ được đưa đến trung tâm, ông đều muốn hỏi tên thật của người mẹ bởi muốn lấy họ mẹ làm khai sinh cho đứa bé. Ông Hiệp còn nài nỉ người mẹ cho chụp một bức ảnh hoặc bản sao chứng minh thư, bởi sau này đó sẽ là vết dấu cho mẫu tử đoàn tụ. Các con cũng được an ủi phần nào vì sau này ông có thể trả lời rằng mẹ con lúc đó có nghèo khổ quá không nuôi được nên gửi vô cho bố nuôi. "Trả lời như vậy thì tụi nhỏ vẫn còn thương cảm người mẹ" - ông nghĩ.

img

Nhiều năm nay, ông Hiệp làm cha của lũ trẻ mồ côi, ông yêu thương và dạy chúng những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Gần trăm đứa trẻ nhưng số cháu bé được mẹ quay lại thăm nom chỉ đếm trên đầu ngón tay, mỗi lần thăm cũng không quá 30 phút, và không thấy thăm lại lần thứ hai.

Có người mẹ đi không một tăm tích, gần 5 năm sau quay lại nhận con. Thứ cô có chỉ là một quyển sổ hộ nghèo, và dẫn theo một vài người lạ sang trọng, hết nắn chân sờ tay lại chụp hình con bé.

Thấy có vấn đề, ông Hiệp cương quyết không giao bé. Đám người chửi bới, đập cửa, lên phường khiếu nại. Phường không giải quyết. Họ quay lại quậy phá hàng tuần liền trước cửa mái ấm, nhưng ông không sợ. "Tất cả các bé vào đây đã một lần chịu cơ cực. Nếu mình giao đi không đúng chỗ sẽ lại đẩy bé vào bi kịch lần thứ hai", ông nói.

img

Lũ trẻ có thể tự ăn, tự ngủ và rất quấn quýt khách đến thăm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

98 đứa trẻ là 98 cá tính, ông Hiệp chẳng bao giờ có ý nghĩ phải cho chúng vào một khuôn khổ, ông cũng dặn các cô bảo mẫu để ý xem tài năng của chúng là gì để giúp từng đứa phát huy sở trường, sau này có thể gợi ý nghề nghiệp.

Mà thật lạ, chúng có thể mè nheo, ghẹo nhau khóc tùm lum nhưng lại yêu thương, bảo bọc nhau theo một cách rất khó lí giải. Hễ một đứa ốm là những đứa kia tới mách bố, mách mẹ. Nếu bố mẹ dặn chăm sóc đứa bệnh thì dù thế nào, đứa nhỏ cũng sẽ quanh quẩn bên cạnh không rời.

img

Các bé gái đang "làm điệu" cho nhau. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tết của lũ trẻ mồ côi ở mái ấm Thiên Thần không có hoa đào, hoa mai. Có năm, các sinh viên đem bông mai đến trang trí, các bé hỏi cái này là cái gì, hoặc chúng hỏi "sao hôm nay không học hả bố?". Ông Hiệp trả lời "hôm nay là ngày nghỉ, từ mai các con sẽ học lại". Tết chỉ đơn giản chỉ là chúng không phải đi học, được ăn bánh kẹo và ngủ nướng thêm một chút.

Nhiều năm nay, ông Hiệp đón giao thừa một mình. Bọn trẻ ngủ từ 8h tối. Trước giao thừa, ông leo lên lầu ba của ngôi nhà nhìn về phía có pháo bông trong thành phố. Ông thầm cầu nguyện cho gia đình của mình yên ấm, ông bà có sức khỏe và bình an để lo cho bọn trẻ, cầu nguyện cho các bé mau lớn và khỏe mạnh. Những ngày đầu năm mới trôi qua trong yên ắng, bình lặng.

Vợ ông trước khi về quê đã chuẩn bị sẵn áo dài Tết cho từng đứa. Mấy đứa nhỏ ngơ ngác không hiểu gì, sấp lớn hơn thì biết mong ngóng nhanh tới ngày mùng 6 để được về quê ngoại ở Đồng Nai. Đối với lũ trẻ, không còn gì hạnh phúc hơn là được theo bố Hiệp ra đồng chạy nhảy, thả diều, bắt ếch… Có lẽ đối với chúng, mùa xuân chỉ đơn giản là người cha đã hơn 60 tuổi này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem