Bộ NN&PTNT đẩy mạnh “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”

K. Lực Thứ sáu, ngày 27/12/2019 09:39 AM (GMT+7)
Bộ NN&PTNT thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trở thành động lực phát triển nông nghiệp và hình thành nhiều chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Bình luận 0

3 đồng hành mà Bộ NN&PTNT xác định là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; Hoàn thiện thể chế, pháp luật; Thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Cùng với đó, 5 hỗ trợ là: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Nâng cao hiệu quả hoạt động; Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng; Xây dựng thương hiệu; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Để thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 (chủ trì Hội thảo Phiên Hiến kế nông nghiệp “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản hội nhập quốc tế”); chủ trì cùng VCCI tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Nhờ đó, trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã có những bước đột phát trong cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội.

Bộ đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm 5.930 dòng hàng phải kiểm tra (giảm 77%) chỉ còn 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đã cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh từ 345 điều kiện xuống còn 272 điều kiện, trong đó cắt, giảm, đơn giản hóa 251 điều kiện, giảm 72,3% (vượt chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu là ít nhất 50%).

Bộ đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18, 19 của Trung ương Đảng. Theo đó, từ năm 2016-2019 đã cắt giảm 132 biên chế công chức, (tương ứng 6,7% so với biên chế giao năm 2015); Năm 2018-2019, thực hiện cắt giảm 1.339 biên chế sự nghiệp hưởng lương hưởng lương từ kinh phí nhà nước (tương ứng 9,5 % so với biên chế giao năm 2015). Đồng thời, tinh gọn 3 tổ chức trực thuộc Bộ, giảm 124 đơn vị cấp phòng trực thuộc các cơ quan hành chính và sự nghiệp thuộc Bộ; hệ thống quản lý nhà nước ngành ở các cấp cũng được rà soát, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. 

img

Trong những năm qua, Bộ NNPTNT đã thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong năm 2019, Bộ đã rất chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Bộ NN&PTNT là Bộ xây dựng, thông qua nhiều Luật nhất trong 3 năm đầu của Quốc hội Khóa 14 (5 luật), nhiều Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ được ban hành.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên gặp gỡ, trực tiếp đối thoại, tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp về những vấn đề khó khăn, vướng mắc để tìm hướng tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức cá nhân.

Đơn cử, khi VASEP và một số doanh nghiệp phản ánh về quy định phải có giấy xác nhận do cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp, nhưng trên thực tế có những quốc  gia có đảo trên biển người ta không có cơ quan có thẩm quyền để xác nhận. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu.

Ngay sau khi nhận được ý kiến phản ánh, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe ý kiến của hiệp hội và các doanh nghiệp. Sau đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT sửa đổi ngay một khoản trong Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật sản phẩm động vật thủy sản.

Theo đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách để thực hiện, đó là doanh nghiệp bổ sung Giấy khai báo thông tin chuyển tải (do doanh nghiệp tự khai) hoặc bản sao Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của doanh nghiệp). Việc tháo gỡ này đã được VASEP và các doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao. Đây cũng là cách làm rất cầu thị của Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Nhờ đồng hành và hỗ trợ kịp thời, trong năm 2019 mặc dù hết sức khó khăn về thương mại, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 41,3 tỷ USD, đây là mốc kỷ lục, quan trọng, nhiều ý nghĩa. Ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%.

Hiện nay, đã có 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp là 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2019 có 17 dự án chế biến nông sản với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem