Bộ Nông nghiệp có mua bản quyền giống gạo ST25?

10/05/2021 07:06 GMT+7
“Từ xưa đến nay chưa từng có tiền lệ cơ quan nhà nước đứng ra mua quyền sở hữu trí tuệ về giống của sản phẩm nào” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thông tin.

Trước thông tin về việc ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả của giống lúa ST24, ST25 mong muốn nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ cho Nhà nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định “đây là sự việc chưa có tiền lệ”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu được Chính phủ cho phép, Bộ NN&PTNT sẽ đứng ra mua lại quyền sở hữu hai giống lúa này.

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ giống lúa ST25, ST25 nói riêng và nông sản nói chung chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Bộ Nông nghiệp có mua bản quyền giống gạo ST25? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Sẽ trình Chính phủ

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, mới đây ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” gạo ST25, cho biết muốn nhượng bản quyền giống lúa trên cho Nhà nước. Quan điểm của Bộ NN&PTNT về vấn đề này ra sao và liệu bộ có mua lại giống lúa trên?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giống lúa ST24, ST25 đã được Bộ NN&PTNT quyết định bảo hộ từ năm 2018 và năm 2020 với giá trị bảo hộ trong vòng 20 năm. Vừa qua, chúng tôi có nhận được thông tin ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả của hai giống lúa ST24, ST25, có nguyện vọng muốn nhượng quyền sở hữu hai giống lúa này cho Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, đây mới là nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua chứ chưa có văn bản chính thức trình lên Bộ NN&PTNT. Sau khi nhận được văn bản chính thức của ông Cua, chúng tôi sẽ có tờ trình gửi lên Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

. Nhưng có ý kiến cho rằng bảo hộ giống hay thương hiệu là việc của doanh nghiệp chứ không phải của Nhà nước?

+ Mong muốn của ông Hồ Quang Cua là muốn bộ, tức là Nhà nước sử dụng. Qua đó để có nhiều công ty, tổ chức, cá nhân, các đơn vị có thể sử dụng bản quyền này thúc đẩy sản xuất lúa ST24, ST25 với diện tích rộng hơn, sản lượng lớn hơn phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu.

Từ xưa đến nay, đây là việc chưa có tiền lệ. Nhưng nếu Chính phủ cho phép, lãnh đạo bộ sẽ tính đến phương án sử dụng kinh phí trong chương trình phát triển giống để mua lại. Sau khi bộ mua lại, chúng tôi sẽ giao cho Cục Trồng trọt sở hữu và quản lý để đảm bảo năng suất chất lượng của hai giống ST24, ST25.

Từ nguồn giống tốt này, các đơn vị sở hữu sẽ đảm bảo được năng suất, chất lượng trong tất cả vùng sản xuất, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các thị trường lớn, nhất là xuất sang thị trường Mỹ.

Bộ Nông nghiệp có mua bản quyền giống gạo ST25? - Ảnh 2.

Ông Hồ Quang Cua cho hay muốn nhượng bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Ảnh: QUANG HUY

Đã  gửi hồ   sang Mỹ  đăng ký bảo hộ  gạo ST25

. Ông có thể tiết lộ khi Nhà nước mua lại bản quyền giống lúa ST24, ST25 thì giá trị thương mại đem lại cho tác giả giống lúa này như thế nào?

+ Như tôi đã nói, đây là vấn đề chưa có tiền lệ, vì đây là quyền của nhóm tác giả. Tuy chưa có tiền lệ về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan quản lý nhưng trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 cũng như Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản liên quan đã được khẳng định rất rõ về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của tác giả. Theo đó, tối thiểu tác giả sẽ nhận được không dưới 30% giá trị làm lợi của công trình và dựa trên căn cứ kinh phí triển khai đề tài…

Chúng tôi sẽ phải bàn bạc lại với nhóm tác giả khi có văn bản đề nghị của ông Cua với Bộ NN&PTNT về vấn đề này.

. Sau khi giống lúa ST24, ST25 được chuyển nhượng lại cho Nhà nước sẽ có thuận lợi thế nào trong việc bảo vệ thương hiệu này tại thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới?

+ Khi Nhà nước quản lý, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng cũng có nhiều thuận lợi hơn. Về việc bảo hộ trên thị trường, phải nói rõ là hiện giờ ta mới bảo hộ về giống lúa, còn dấu hiệu sản phẩm gạo ST24, ST25 thì phải tuân thủ quy định luật pháp trong nước và quốc tế. Như vụ việc gạo ST25 bị công ty nước ngoài đăng ký tại Mỹ thì Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Công Thương cùng tập thể tác giả, Tập đoàn Pan gửi hồ sơ sang Mỹ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu gạo ST25.

Bộ Nông nghiệp có mua bản quyền giống gạo ST25? - Ảnh 3.

Nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO).

Phải có sự hỗ trợ của Nhà nước

. Sau khi mua nhượng quyền gạo ST24, ST25, bộ có áp dụng thêm các trường hợp nào khác nữa không?

+ Đây là trường hợp đặc biệt, với mong muốn của tập thể tác giả, đứng đầu là ông Hồ Quang Cua. Bộ sẽ cân nhắc và trình Chính phủ những trường hợp đặc biệt như thế này.

. Khi trao đổi với báo chí, bản thân doanh nghiệp chia sẻ không thể lo được hết chuyện bảo vệ thương hiệu bên Mỹ, còn phía Bộ Công Thương thì cho rằng vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu là trách nhiệm của doanh nghiệp. Vậy theo ông, việc bảo hộ thương hiệu nông sản hiện nay cần có sự phối hợp giữa ngành chức năng và doanh nghiệp như thế nào để thương hiệu nông sản Việt không bị mất đi như những trường hợp đã từng xảy ra?

+ Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với hàng loạt hiệp định tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, sự hiểu biết và vận dụng về luật pháp quốc tế trong nông sản vẫn còn hạn chế nhất định.

Do vậy, tới đây việc bảo hộ sở hữu trí tuệ giống lúa ST24, ST25, gạo ST24, ST25 nói riêng và nông sản nói chung chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN. Các bộ sẽ phải bàn với nhau để giải quyết vấn đề về bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thế nào.

Như chúng ta đã biết, năm 2020 giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam là 41,55 tỉ USD, năm nay dự kiến là 42 tỉ USD. Nếu chúng ta không có sự hướng dẫn thì bản quyền sẽ mất đi mà thời gian qua chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm. Trên thực tế, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm về các vụ kiện quốc tế như Công ty Tôm Minh Phú thuê công ty luật để bảo vệ cho mình. Tương tự, sản phẩm cá tra chúng ta cũng đã làm thành công.

. Xin cám ơn Thứ trưởng.

Gấp rút công nhận thương hiệu quốc gia cho gạo

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam đã được tiến hành nhiều năm qua nhưng đến giờ vẫn chưa chính thức có loại gạo nào được công nhận trong diện này. Lý giải về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã được làm rất bài bản, tích cực. Bước đầu đã có những giá trị rất cụ thể cho ngành hàng lúa gạo theo hướng tăng diện tích và sản lượng các giống lúa chất lượng cao, nhờ đó ngành hàng lúa gạo thu về giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, muốn xây dựng được đầy đủ căn cứ để công nhận thì đòi hỏi rất chi tiết. Cùng với đó, trước đây việc bình chọn gạo xứng đáng mang thương hiệu gạo quốc gia chỉ giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan. Nhưng mới đây, đã có thêm vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên các thủ tục hành chính cũng có những thay đổi.

“Hiện nay, các bên đang gấp rút hoàn thiện thủ tục hành chính để có được những sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia sớm nhất” - Thứ trưởng Tiến nói.

Chính thức nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại Mỹ

Gạo ST24, ST25 do ông Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Năm 2019, gạo ST25 đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines và tiếp tục đoạt giải nhì trong năm sau đó.

Trong tháng 3 vừa qua, gạo ST25 gây xôn xao dư luận khi bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Úc. Sau đó, Thương vụ Việt Nam tại hai nước này đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ.

Ông Hồ Quang Cua cũng đã ủy quyền cho Tập đoàn Pan làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25 tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp Hồ Quang Trí (con ông Cua) mới đây cũng đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại Mỹ. Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là hình ảnh một người đàn ông đeo kính quay mặt về bên phải (gương mặt ông Hồ Quang Cua) bên cạnh là bông lúa và dòng chữ “Gạo Ông Cua” ở bên trái.


An Hiền
Cùng chuyên mục