Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải giải trình về thị trường xăng dầu

24/02/2023 10:42 GMT+7
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội vừa có văn bản hoả tốc gửi các doanh nghiệp xăng dầu đề nghị tham dự phiên giải trình về thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Phiên giải trình được tổ chức lúc 8 giờ đến 12 giờ ngày 28/2/2023 tại Phòng họp Thăng Long, tầng 1, Nhà Quốc hội, số 2, đường Độc Lập, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Giấy mời ghi rõ căn cứ chức năng giám sát được quy định tại luật Tổ chức Quốc hội, luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 ngày 28/3/2022 và theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức buổi họp giải trình nói trên.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải giải trình về thị trường xăng dầu - Ảnh 1.

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội vừa có văn bản hoả tốc gửi các doanh nghiệp xăng dầu đề nghị tham dự phiên giải trình về thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trong thư mời, Ủy ban Kinh tế nêu rõ hai đơn vị giải trình là Bộ Công thương và Bộ Tài chính, hai cơ quan trực tiếp tham gia điều hành thị trường xăng dầu. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo sẽ chủ trì cuộc họp.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bán lẻ, đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên khắp cả nước.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất chính sách Nhà nước quy định rõ ràng về chiết khấu cho xăng dầu bán lẻ, đồng thời cho phép doanh nghiệp được quyền mua xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo tờ trình lần thứ hai sửa đổi Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng công nhận quyền nhập xăng dầu từ 2-3 nguồn khác nhau của doanh nghiệp bán lẻ; đồng thời Bộ Công Thương đề nghị vẫn để nguyên việc Nhà nước định giá xăng dầu, giao Bộ Tài chính chủ trì.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đề nghị giao toàn quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng nêu những hạn chế, vướng mắc khi hai bộ cùng quản lý xăng dầu như hiện nay.

Mới đây, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thống nhất các nội dung trong dự thảo sửa đổi Nghị định xăng dầu trước khi trình Chính phủ. Bộ KH&ĐT cho rằng không nên quy định cụ thể tỷ lệ chiết khấu cho doanh nghiệp mà để thị trường tự điều tiết.

An Linh
Cùng chuyên mục