Bộ Tài chính: Còn khoảng 70 nghìn tỷ doanh thu trên Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab chưa được kê khai

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 07/02/2025 13:12 PM (GMT+7)
Theo Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng 300 nghìn gian hàng với doanh thu 70 nghìn tỷ đồng trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab chưa được kê khai, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.
Bình luận 0

Số thu từ nhà cung cấp nước ngoài giảm mạnh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) các năm gần đây đã tăng trưởng mạnh (từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên đến 20,5 tỷ USD năm 2023 và dự kiến đạt 25 tỷ USD trong năm 2024).

Tuy nhiên, tổng số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường TMĐT, và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024.

Như vậy, có thể thấy rằng nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.

Đối với hoạt động TMĐT trong nước, hiện tại, Tổng cục Thuế đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động TMĐT trong nước với thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT từ hơn 400 sàn giao dịch là hơn 500 nghìn tổ chức và cá nhân kinh doanh, số thuế thu được ước tính năm 2024 đạt 116 nghìn tỷ.

Bộ Tài chính: Còn khoảng 70 nghìn tỷ doanh thu trên Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab chưa được kê khai - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thông qua việc quản lý thu thuế từ cổng thông tin điện tử, Tổng cục Thuế có dữ liệu thông tin về 120 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú (NCCNN) tại Việt Nam có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động kinh doanh TMĐT với số thu NSNN từ các đối tượng này tính đến nay là 17,8 nghìn tỷ đồng.

Thông tin về các tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thay, nộp thuế thay cho các nhà NCCNN gồm 31.000 tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ quảng cáo và hơn 4.200 tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ sàn TMĐT như TikTok shop. Thông tin về các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập trên sàn TMĐT Việt Nam (Shopee, Lazada) với tổng lượt giao dịch là 183 triệu lượt, doanh thu giao dịch là 16.641 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương cung cấp, năm 2023 có 929 địa chỉ website, ứng dụng đã đăng ký với Bộ Công thương theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên qua rà soát, nhiều địa chỉ website chỉ được thiết lập để phục vụ việc bán hàng của chính đơn vị thiết lập website mà chưa phải là website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhiều KOL có doanh thu hàng trăm tỷ đồng

Ngoài các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT lớn trong nước, các hộ, cá nhân còn hoạt động kinh doanh trên các nền tảng cung cấp dịch vụ sàn TMĐT nước ngoài như: Booking, Agoda, Airbnb, Tripadvisor… (nền tảng sàn thương mại điện tử dịch vụ lưu trú); các nền tảng nội dung thông tin số, nền tảng mạng xã hội như: Netflix, Spotify (nền tảng thuê bao); Google, Youtube, Facebook, Tiktok (nền tảng quảng cáo, mạng xã hội); Apple Store, CH Play (nền tảng kho ứng dụng)…

Hiện nay đang xuất hiện đối tượng kinh doanh mới đó là các cá nhân là người ảnh hưởng lớn (KOL-Key Opinion Leader) trong xã hội, thực hiện kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng số thông qua việc livestream quảng cáo bán hàng hóa, dịch vụ.

Theo thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các KOL được chia thành 3 nhóm chính: KOL có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, từ đó tạo ra ảnh hưởng trên không gian mạng (chiếm khoảng 21,8%), KOL không có uy tín trong xã hội nhưng tạo ra ảnh hưởng nhờ có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng (chiếm khoảng 42%), KOL có ảnh hưởng gián tiếp trên không gian mạng (chiếm khoảng 36,2%).

Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, một số KOL livestream quảng cáo, bán hàng có doanh thu hàng chục tỷ, trăm tỷ đồng.

Còn hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh

Thống kê theo dữ liệu của hơn 400 sàn TMĐT đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP thì có hơn 300 nghìn cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thu thuế năm 2024 sẽ đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên phát sinh một số lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT chưa định danh được người bán (thống kê tại 5 sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab có hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh được người dùng, với doanh số kinh doanh trên 70 nghìn tỷ).

Do đó, khi Nghị định được áp dụng với quy định tổ chức quản lý nền tảng TMĐT, nền tảng số có chức năng thanh toán và tổ chức hoạt động kinh tế số khác có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế của hộ, cá nhân cư trú và không cư trú có hoạt động kinh doanh sẽ tác động giảm khối lượng thực hiện thủ tục hành chính trong kê khai, nộp thuế của hơn 300 nghìn cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh.

Đồng thời tại Nghị định quy định trách nhiệm về cung cấp thông tin định danh cá nhân của người bán khi kinh doanh trên các sàn TMĐT, quy định nộp thuế thay hộ, cá nhân kinh doanh sẽ tác động tăng thu NSNN đối với thu nhập từ kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn nhất là các đối tượng chưa định danh được nêu trên.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, số thu ước tính theo tỷ lệ 1,5% trên doanh số 70 nghìn tỷ đồng là khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ tăng thu NSNN đối với các khoản thu nhập hiện nay cá nhân chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem