Bộ Tài chính: Giao xăng dầu cho Bộ Công Thương để tránh bất cập

13/01/2023 13:54 GMT+7
Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo đó đề xuất giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu để tránh phát sinh bất cập.

Nên giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành giá, cấp phép và quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Chính vì thế, Bộ Công Thương quản lý sẽ tránh phát sinh những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện.

Bộ Tài chính: Giao xăng dầu cho Bộ Công Thương để tránh bất cập - Ảnh 1.

Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ Công Thương quản lý trực tiếp thị trường xăng dầu

Nhắc lại quan điểm này từng được nêu ra trước đó, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương nên thực hiện việc điều hành giá xăng dầu như giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá. Đồng thời, rà soát tính toán công bố các khoản chi phí định mức để tính giá cơ sở. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Với vấn đề quỹ bình ổn giá xăng dầu theo ba phương án được Bộ Công Thương đưa ra (gồm giữ nguyên như hiện hành, sửa đổi quy định nguyên tắc sử dụng quỹ, giảm dần sự can thiệp của nhà nước về giá xăng dầu và bỏ quỹ bình ổn), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá để lựa chọn một phương án cụ thể, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ quyết định.

Về công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở đã được thực hiện thường xuyên, đúng quy định.

Do đó, cơ quan này không đồng tình việc Bộ Công Thương đưa ra nhận định nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn là do chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định này.

Trước đó, như Etime đưa tin, tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2022 và phương hướng nhiệm vụ cho quý I/2023 của Bộ Tài chính, trả lời phản ứng của Bộ Tài chính xung quanh việc Bộ Công Thương đề nghị trao toàn quyền quản lý xăng dầu sang cho Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định: "Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào sát sao, đúng chức năng để giao việc".

Ông Chi khẳng định: "Dù giao cho bất kỳ cơ quan nào quản lý đi nữa, giá và thị trường xăng dầu cũng phải điều hành tốt, điều này không phải là vấn đề phải bàn cãi".

Ông Chi nói: Đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện thị trường xăng dầu Bộ Tài chính nắm được tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu. "Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 95 và có đưa ra các đề xuất, điều này là bình thường. Các đề xuất sau đó được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến dư luận, rồi các cơ quan quản lý phối hợp quản lý hiệu quả, tốt hơn", ông Chi nói.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính: "Quan điểm Bộ Tài chính rõ là thị trường xăng dầu cần một cơ quan đầu mối quản lý để chủ động điều hành và quy rõ trách nhiệm. Và những quan điểm này chúng tôi đã nêu ra tại Quốc hội rồi, quyết định cuối cùng là của Chính phủ. Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào sát sao, đúng chức năng nhiệm vụ và đúng chuyên môn thì giao việc".

Trao đổi với Etime, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh: "Sau khi đọc xong dự thảo, tôi quá bất ngờ và sững sờ!"

"Họ (Bộ Công Thương. - PV) sửa Nghị định mà cũng y như là không sửa. Tôi tiếc thời gian qua tôi đã bỏ công sức ra kiến nghị, góp ý", ông Tây nhấn mạnh.

Theo ông này, việc không giới hạn tỷ lệ chiết khấu tối thiểu và lý do được Bộ Công Thương đưa ra là chưa thuyết phục. "Doanh nghiệp đầu mối quá nhiều quyền, để rồi họ muốn ban phát cho doanh nghiệp bán lẻ thế nào cũng được".

Hơn thế, theo ông Tây, không cho đại lý bán lẻ quyền nhập xăng dầu từ 2-3 nguồn thay vì một nguồn như hiện nay vô tình tạo ra độc quyền của kênh phân phối xăng dầu. Trong khi giải pháp chống độc quyền cung ứng là phải giải quyết nhanh thủ tục chấm dứt mua, ký mới hợp đồng mua bán xăng dầu giữa đại lý bán lẻ với thương nhân không được quy định, sửa đổi, khiến đại lý bán lẻ có cảm giác không được bảo vệ, và Bộ Công Thương vẫn chưa lắng nghe doanh nghiệp.

Ông Tây cho biết, hiện cho chiết khấu cho đại lý cuối cùng chỉ 200 đồng/lít, trong khi bình quân cửa hàng bán 1000 lít/ngày, trung bình có hai nhân viên trực bán.

"Một tháng, mỗi người phải 15 triệu tiền lương, tương đương 500.000 đồng/ngày, chưa kể điện nước, tiền vay ngân hàng… Chừng ấy thôi, doanh nghiệp xăng dầu đã lỗ 300 đồng/ ngày tiền lương nhân viên rồi", ông Tây phân tích.

An Linh
Cùng chuyên mục