dd/mm/yyyy

Bỏ “thiếc tặc”, làm nông thành tỷ phú rau VietGAP

Những ngày đầu tới xứ Đà Lạt, anh Mai Văn Khẩn (47 tuổi, ngụ phường 12, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), đã phải bỏ mộng làm thầy giáo, làm nghề đào thiếc để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Đến nay, anh đã trở thành một tỷ phú rau VietGAP, chủ một HTX rau có tiếng tại địa phương.

Từ “thiếc tặc” trong núi sâu

Nhìn căn nhà kính trồng đầy rau xanh mướt, công nghệ hiện đại, tiên tiến của anh Khẩn khiến chúng tôi phải ngơ ngác hỏi vì sao anh có thể xây dựng được trang trại quy mô như vậy.

Anh Khẩn cười rồi bắt đầu kể về cuộc mưu sinh của mình từ vùng quê Thanh Hóa. Xuất thân từ Nga Sơn, gia đình anh có truyền thống làm nông, trồng rau, trồng lúa. Vì vậy, anh cũng là người thành thạo việc của nhà nông. Sáng đi học, chiều về phụ giúp gia đình xây dựng đời sống, cho đến năm 1989, ngã rẽ của cuộc đời anh đã xuất hiện.

Anh Mai Văn Khẩn cùng công nhân chăm sóc rau. VL.
Anh Mai Văn Khẩn , nông dân xuất sắc 2018. VL.

“Năm 1989, tôi học xong lớp 12, mong muốn được làm giáo viên để dạy học cho các em nhỏ. Tuy nhiên, tôi có người anh hơn hai tuổi, lúc này đã học đại học năm 2. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một lúc không thể nuôi hai anh em cùng học đại học. Vì vậy, tôi đành xin bố mẹ nghỉ ở nhà, phụ bố mẹ nuôi anh học”, anh Khẩn tâm sự.

Cũng vì cuộc sống khó khăn nên gia đình anh đã đồng ý với nguyện vọng của đứa con trai, vì chẳng muốn gắng gượng rồi chẳng may cả hai người lại dang dở giữa đường. Sau khi nghỉ học, anh Khẩn với bản tính xông xáo, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội tại địa phương.
Làm việc tại địa phương đến năm 1991 thì tại xã nơi anh ở rộ lên phong trào vào Nam làm thiếc. Là thanh niên năng động, anh Khẩn đã cùng một số thanh niên trong xóm bắt xe đi thẳng vào đất Đà Lạt (Lâm Đồng) để thử vận may. Vậy là, bước đi quyết định của cuộc đời chàng trai người Thanh Hóa bắt đầu.

Đến đất Đà Lạt, anh lao vào công việc như để quên đi nỗi nhớ gia đình, quê hương. “Do thời đó thông tin liên lạc còn rất hạn chế, mà việc làm thiếc lại ở tận trong rừng sâu nên việc gọi điện hay gửi thư về cho gia đình là không thể. Tôi đã đi 2 năm mà không một tin tức gì, chắc cả nhà lo lắm. Nhưng vì mưu sinh mà!...Tuy làm tận 2 năm nhưng chẳng có gì, chỉ đủ ăn, không có dư giả, mà lạnh thấu xương nên tôi nghỉ làm thiếc, ra ngoài trồng rau”, anh Khẩn nhớ lại.

Từ rừng trở ra làng hoa Thái Phiên thời bấy giờ, anh Khẩn đi làm lao động tự do, chủ yếu là trồng hoa, trồng rau mướn cho những người trong vùng. Cũng từ đây mà anh quen được chị Nguyễn Thị Bé (người gốc Đà Lạt), sau này trở thành vợ anh. Đôi vợ chồng trẻ đã lao vào làm việc với mong muốn đổi đời, xây dựng kinh tế trên đôi bàn tay trắng.

Đến tỷ phú rau VietGAP

Sau khi lấy vợ, anh Khẩn bắt tay vào cải tạo và sử dụng mảnh đất diện tích 3.000 m2, của hồi môn của gia đình vợ cho. Ban đầu anh chỉ trồng các loại rau củ truyền thống như rau cải bắp, cải thảo hay khoai tây. Tuy nhiên, nhận thấy có nhiều loại, rau, củ, quả lạ mắt được nhập về Đà Lạt như bí ngồi, súp lơ xanh, súp lơ tím, súp lơ mỡ khiến anh thấy rất tò mò và bắt đầu tìm hiểu về nó.

Anh Mai Văn Khẩn cùng công nhân chăm sóc rau. VL.
Anh Mai Văn Khẩn cùng công nhân chăm sóc rau. VL.

“Ngày đó, có nhiều công ty nước ngoài và các thành phố lớn về Đà Lạt để đầu tư, xây dựng các công ty con, liên kết với người dân để trồng rau, củ quả cung cấp cho họ xuất khẩu. Tôi thấy mô hình này hay nên đã đăng kí với họ để làm thử nghiệm. Ban đầu, cảm thấy làm việc với họ chúng tôi cảm thấy có lời nên duy trì được khoảng 2 năm, nhưng càng về sau thì chúng tôi thấy họ vẫn ép giá nên tôi đã ngừng liên kết, ra ngoài làm riêng”, anh Khẩn chia sẻ.

Vì đã làm liên kết với các công ty này nên anh Khẩn đã có kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, vì vậy anh đã tìm hiểu nguồn cung cấp giống rau thông qua một đơn vị trung gian ở Sài Gòn. Sau đó anh đã bắt tay vào việc sản xuất đại trà các loại rau, củ quả độc lạ vào thời đó.

Chính vì vậy, những ngày đầu khi trồng được các loại rau, quả lạ mắt kia gia đình đã rất vất vả để tiêu thụ được. Anh Khẩn đã tự xuống Chợ Lớn để tìm kiếm khách hàng, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu bởi thứ nông sản của anh quá lạ, ít người biết đến nên khó tiêu thụ.

Không nản lòng anh tiếp tục chào hàng một thời gian dài sau đó, khách hàng dần dần biết đến thương hiệu rau của anh, hợp đồng tiêu thụ rau càng nhiều lên, làm cho diện tích đất nhỏ của anh không đủ cung cấp. Sau đó, anh quyết định mở rộng sản xuất, mua thêm 1ha rồi 6ha đất nông nghiệp.

“Khi mua được 1ha thì tôi nhắm có một vị trí khá đẹp khoảng 6ha, tôi bắt đầu đến gặp chủ vườn để hỏi mua. Tuy nhiên, mảnh vườn này lại có tới 5 anh em làm chung, phải mất đến 5 năm (đến năm 2007) tôi mới mua được hết toàn bộ 6ha này. Có đất tôi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà kính để canh tác. Vì không có đường đi vào vườn nên tôi phải xin phép cơ quan chức năng xây dựng một con đường băng qua một đồi thông, đổ bê tông với chi phí 1,4 tỷ đồng”, anh Khẩn thông tin.

Công việc ngày càng thuận lợi, vì vậy anh bắt đầu nhìn đến hoàn cảnh của những người nông dân xung quanh mình, họ sản xuất còn nhỏ lẻ vì vậy thường bị các thương lái ép giá, giá trị sản xuất không cao.

Do đó, năm 2012, anh Khẩn đã quyết định thành lập HTX Tân Tiến với 15 thành viên ban đầu sản xuất các loại rau ăn củ, quả và lá theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Khẩn cho rằng: “Khi các hộ dân liên kết với nhau, canh tác theo một mô hình khép kín sẽ giảm được nhiều loại chi phí, đầu ra ổn định hơn và đặc biệt là không bị ép giá”. Đến nay, HTX Tân Tiến đã có 20 thành viên với 30ha đất sản xuất, bên cạnh đó HTX còn liên kết với 80 hộ dân có khoảng 100ha. “Hàng năm, chúng tôi cung cấp khoảng 1.600 tấn rau củ như xà lách, su su, cải bó xôi, atiso, bắp cải, ớt ngọt, các loại cà chua cao cấp ra thị trường là các siêu thị trên cả nước. Với doanh thu khoảng 18 tỷ đồng và lợi nhuận trên 2 tỷ đồng mỗi năm, chúng tôi đã tạo việc làm cho khoảng 40 lao động thường xuyên trên địa bàn”, anh Khẩn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tân Tiến cho hay.

Hiện nay, các sản phẩm nông sản của HTX Tân Tiến đều được cung cấp cho các siêu thị lớn trên cả nước như Metro Market, hệ thống siêu thị Sài Gòn KFC…Ngoài việc sản xuất, anh Khẩn đang dự định dành ra 1ha sản xuất rau công nghệ cao để làm mô hình du lịch canh nông.

Chính vì những đóng góp cho địa phương mà anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào SXKD giỏi.

Vừa qua, anh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn là một trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.

Văn Long