Bỏ tiền mua chữ ông đồ viết, ai ngờ rước phải quạ, cú...

Mai An Thứ năm, ngày 05/02/2015 08:11 AM (GMT+7)
Tưởng như ngày xuân nếu vắng bóng dáng ông đồ với những chữ thảo bay bổng, chữ triện nghiêm ngắn quắc thước trên phong giấy điều, xuân sẽ ít nhiều mất đi phần thi vị.
Bình luận 0

Thế mà năm nay, thiên hạ gần như “ngã ngửa” khi biết có tới 70% ông đồ thi trượt kỳ thi sát hạch do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức. TS Phạm Văn Ánh - thành viên Ban giám khảo cho biết “70% thi trượt là kết quả của những ông đồ viết chữ Quốc ngữ, còn những ông đồ viết chữ Hán chỉ thi đỗ 11%. Con số này vẫn trên tinh thần “cố vớt” bởi cứ đánh trượt hết lấy ai ra làm quan”.

Vậy là bao nhiêu năm nay, phố ông đồ nhộn nhịp bên hông Văn Miếu, nơi mà người người hào hứng đến xin chữ, mua chữ và cung kính đem về nhà treo hóa ra có tới 70% là bán… “hàng giả” hay “hàng kém chất lượng”. Có tổ chức một kỳ thi mới thấy, có rất nhiều ông đồ cầm bút còn không đúng chuẩn, viết chữ tác ra chữ tộ, chữ “tử” (màu tía) thì viết thành chữ “tử” (chết). Vốn chữ Hán các ông không có, viết đúng còn chưa đúng, nói gì tới chuyện “Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay”.

Càng đi sâu vào hậu trường của cuộc thi sát hạch ông đồ lần đầu tiên càng lắm chuyện cười ra nước mắt. Điều an ủi duy nhất với khách hàng là cái món chữ giả do các ông “đồ rởm” bán cho không phải là đơn thuốc, về treo lên trong nhà bất quá chủ nhân bị người biết chữ cười cho, chứ chưa đến nỗi “phúc thống phục nhân sâm” mà chết (tắc tử).

Cũng là một phen bẽ bàng cho những khách hàng chuộng tục lệ xin chữ đẹp đầu năm. Bỏ đồng tiền ra mua một con chữ, cứ tưởng mua được rồng được phượng, ai ngờ rước phải quạ phải cú về treo trang trọng trong nhà. Cũng may chưa có ông đồ rởm nào bị túm áo đòi lại tiền, đòi bồi thường khoản “dông” đầu năm cho gia chủ, chứ không còn nhiều chuyện khôi hài lắm.

Việc bao nhiêu năm rồi, Hà Nội mới tổ chức được một kỳ thi sát hạch ông đồ đầu tiên để chọn đúng “hàng chuẩn” tuy rằng có muộn, nhưng muộn còn hơn không. Thà đau một lần cho xong còn hơn cứ để dai dẳng, u u mê mê, khối người mua phải chữ giả về thờ mà không biết.

Nhà thơ Nguyễn Du đã từng có câu “Nghề chơi cũng lắm công phu” thật chẳng phí đi đâu một chữ nào. Chơi cái gì cũng phải tìm cho đến tận ngọn nguồn gốc tích, đừng chơi a dua theo phong trào, cuối cùng là tiền mất tật mang.

Cũng nhờ có cuộc thi sát hạch ông đồ mà Hà Nội tết này đã dẹp được phần nào mối nguy cơ “chữ giả”. Trong cái gió xuân hây hẩy và hồng sắc hoa đào, thiên hạ nhìn thấy các ông đồ bày ra mực tàu, giấy đỏ cũng đã phần nào thấy tin cậy hơn, yêu mến hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem