Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Giá heo hơi tăng, mong người dân thông cảm

Anh Thơ Thứ tư, ngày 06/11/2019 15:19 PM (GMT+7)
Tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nguy cơ thiếu thịt lợn những tháng cuối năm và giá thịt lợn có thể tăng cao là những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Bình luận 0

Theo đó, ĐB Sần Sín Sỉnh (Lào Cai), ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhắc tới tình hình dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất chăn nuôi; trong khi ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn về các biện pháp bù lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với loại dịch tác hại ghê gớm như vậy. Virus dịch tả này xâm nhập đàn lợn gây tỷ lệ chết 100%, trong khi thế giới chưa sản xuất ra được vaccine.

Tháng 3/2018, dịch tả lợn xuất hiện ở Trung Quốc nhưng nay đã 28 quốc gia bị dịch này khiến 30% đàn lợn của thế giới bị huỷ diệt. Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thực phẩm chưa từng có từ trước đến nay. Ý thức được tác hại của vi rút dịch tả lợn, Việt Nam đã có sự chuẩn bị ngay khi Trung Quốc xuất hiện dịch.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: VNN.

Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị toàn quốc về nội dung này. Ngày 20/9, Chính phủ ban hành chỉ thị và đến nay đã có 60 văn bản chỉ đạo, từ chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và các tỉnh…

Việt Nam cũng có kịch bản đối phó với dịch từ đầu. Cụ thể, tháng 9/2018, Bộ đã tổ chức diễn tập ứng phó, để khi dịch diễn ra ở đâu có thể đến phân loại, đưa ra giải pháp xử lý ngay. Tuy nhiên, ngày 1/2/2019, ổ dịch đầu tiên được phát hiện và trong thời gian ngắn đã lan ra toàn quốc. "Đây là điều đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận" - Bộ trưởng Cường nói.

Về băn khoăn của ĐB Nguyễn Anh Trí về nguy cơ thiếu thịt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ ba nguyên tắc.

Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là phải tổ chức sản xuất theo chuỗi, ba là phải có thị trường chứ không thể sản xuất ồ ạt một lúc.

Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng, thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%.

“Trước tình hình khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bằng cách bồi dưỡng để làm sao cho tăng sản lượng ngay tại thời điểm. Như vậy, bằng những thực phẩm và gia tăng đó thì để cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc”, ông Cường nói.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, người Việt có văn hóa đã quen ăn thịt lợn, với những thực phẩm khác cũng phải tuyên truyền chứ không phải một sớm, một chiều thay hết được.

Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn, đồng thời cũng là dịp chia sẻ với những khó khăn người chăn nuôi gánh chịu.

"Quan điểm của Bộ là làm sao giữ mức giá để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được. Đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô lối, vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem