Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Tăng tốc thu mua, mở rộng thị trường lúa gạo

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 27/02/2019 10:32 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL” do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 26.2.
Bình luận 0

Giá giảm do lúa chín sớm, thị trường tiêu thụ gặp khó

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện lúa đông xuân ở ĐBSCL đã vào giai đoạn thu hoạch rộ, nhưng doanh nghiệp (DN) lại không thu mua, dẫn đến thất thoát sau thu hoạch cao và giá lúa đang không ổn định.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, giá lúa tươi tại ruộng giảm bình quân 20% (tương đương 1.000 đồng/kg) so với cùng kỳ năm 2018. Với giá này, nông dân chỉ hoà vốn hoặc lỗ. Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp nhận định, tình trạng trên đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn 150.000 hộ nông dân.

img

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa vụ đông xuân. 

Theo Bộ NNPTNT, đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của nước ta có xu hướng giảm do cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar, Pakistan với nhiều loại gạo đạt chất lượng vượt trội.

Ngoài ra, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu gạo lớn của nước ta - mở cửa xuất khẩu gạo cho Ấn Độ và cấp phép cho 24 DN nước này, trong khi Việt Nam chỉ có 19 DN. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng công khai mở rộng thêm các nguồn nhập khẩu gạo từ Campuchia, Myanmar.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo đầu năm chững lại khi Cục An toàn thực phẩm (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đề nghị Việt Nam thống kê lại năng lực sản xuất của 22 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Phía Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo.

img

Do nhiều diện tích lúa chín sớm, thị trường tiêu thụ gặp khó nên giá lúa gạo ĐBSCL giảm mạnh. 

Ông Phạm Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đầu tháng 2 vừa qua, giá lúa gạo giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tín hiệu thị trường nhập khẩu chưa rõ ràng, trong khi đó nguồn cung vụ này lại dồi dào và thu hoạch sớm hơn so với các năm trước.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT, theo kế hoạch vụ đông xuân 2018 – 2019, nước ta sản xuất 1,6 triệu ha lúa. Trong số này, nhiều diện tích lúa thuộc ĐBSCL có hiện tượng chín sớm.

“Cuối tháng 7, tháng 8 năm trước, ĐBSCL lũ cao, đẹp, phù sa về nhiều nên lúa vụ đông xuân phát triển tốt, có nơi đạt năng suất 7-8 tấn/ha. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, thời tiết nắng nóng, độ ẩm từ 30-40% khiến lúa chín sớm hơn 7-10 ngày” – ông Cường nói.

Ông Cường nói thêm: “Trong thời gian lúa chín sớm, kế hoạch xuất khẩu sang 2 thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc và Philippines chưa thực hiện được nhiều khiến giá lúa giảm so với cùng kỳ năm trước”.

Phải đẩy nhanh tiến độ thu mua

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, hiện nay, người dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ, trong khi hầu hết các DN sản xuất kinh doanh lương thực đều thiếu vốn dự trữ.

Ông Nam đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại ra gói tín dụng riêng cho đợt thu mua tạm trữ này trong thời gian 6 tháng để các DN thu mua lúa đến hết tháng 3.

img

Người dân huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân 2018 - 2019.  Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ đang nỗ lực xúc tiến đàm phán, tìm thị trường tiêu thụ lúa gạo cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường ngách cho gạo hữu cơ.

VFA cũng đề nghị Bộ NNPTNT giúp tháo gỡ các vướng mắc từ chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, tạo điều kiện cho các DN sớm quay lại thị trường này. Đồng thời, VFA đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ phát triển thị trường ở châu Phi và Nam Mỹ, cũng như hỗ trợ cung cấp thông tin về số lượng gạo xuất khẩu của các hợp đồng đã ký kết và chủng loại gạo xuất khẩu theo định kỳ để VFA có định hướng cho DN xuất khẩu trong kinh doanh và tham mưu cho các địa phương trong cơ cấu sản xuất theo vụ mùa.

Ông Cường cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp thu mua lúa. Các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt giúp giá lúa cải thiện, người dân thu lời. Về lâu dài, ông cho rằng phải rà soát lại một cách căn cơ, chủ động giảm diện tích lúa ở vùng xâm nhập mặn, vùng trũng, vùng khó bơm nước để trồng những nông sản khác có thị trường tốt hơn.

Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, các nước nhập khẩu đang có xu hướng tự chủ về gạo và tìm cách đa dạng hoá thị trường, tránh lệ thuộc vào một hoặc vài thị trường nhất định.

Vì vậy, theo ông Khánh, các DN xuất khẩu gạo trong nước nên suy nghĩ, có kế hoạch mang tính căn cơ, lâu dài cho ngành lúa gạo, theo đó cần tối ưu hoá nguồn cung, tối ưu hoá diện tích trồng lúa, có truy xuất nguồn gốc, không đi theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. “DN phải quản lý chất lượng, đừng để mất đi tư cách của mình khi xuất khẩu” – ông Khánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem