Trao đổi tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018-2019, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, vấn đề hạ tầng giao thông cần phải xem xét lại nhiều yếu tố, đặc biệt là theo quy định của Luật đầu tư công, Quốc hội bố trí nguồn vốn rồi mới triển khai các công việc tiếp theo, dẫn tới giao vốn nhưng giải ngân khó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng các thủ tục đầu tư công đang làm chậm việc triển khai dự án sân bay Long Thành - Ảnh: NA
Lấy ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, ông Thể cho biết, từ khi Quốc hội đồng ý chủ trương bố trí vốn, theo trình tự đầu tư công phải trải qua thi tuyển kiến trúc, lập dự án, chọn nhà đầu tư... mất tới 3 năm.
Hiện tại, Bộ GTVT đang nỗ lực để tháng 10 này có thể báo cáo Quốc hội về dự án sân bay Quốc tế Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Tiếp theo đó là bước chọn đơn vị làm nhà đầu tư cho dự án. Nếu Chính phủ không chỉ định thầu, Bộ GTVT sẽ tổ chức thi tuyển nhà đầu tư để làm chủ đầu tư cho dự án.
"Có nhà đầu tư, họ sẽ tiến hành mời thầu, lập hồ sơ thiết kế và dự toán. Sau khi dự toán phê duyệt trong khoảng 6 đến 9 tháng, bên liên quan mới tổ chức đấu thầu xây lắp. Khi đó chúng ta mới biết ai làm gì. Chính vì vậy, từ ngày Quốc hội bố trí vốn làm sân bay, qua các khâu, chúng ta đã mất 3 năm. Điều này là trình tự theo Luật Đầu tư công. Chúng tôi không làm khác được", ông Thể cho hay.
Thông tin thêm về tiến độ dự án sân bay Long Thành, bộ trưởng Bộ GTVT cho hay đến nay đã bố trí ngân sách cho Đồng Nai, đang triển khai kiểm đếm và phê duyệt. Theo đó, trong năm nay sẽ sử dụng một phần ngân sách để tiến hành giải phóng mặt bằng.
"Do đó, từ vấn đề sân bay Long Thành, nên chăng giữa nhiệm kỳ Quốc hội biểu quyết gói tín dụng cho nhà đầu tư dự án lớn, tức khi bố trí vốn triển khai đấu thầu, xây lắp làm ngay, chứ làm như hiện nay thì không giải ngân được", Bộ trưởng Thể nêu đề xuất.
Ngoài Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Thể cũng đề cập tới dự án trọng điểm đường cao tốc Bắc - Nam phía đông mà Bộ GTVT được giao trách nhiệm. Đây là 2 dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội biểu quyết trong nhiệm kỳ này.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe - Ảnh minh họa.
Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Thể cho biết tháng 10/2018 đã phê duyệt nhà thầu, thống nhất với địa phương về quy mô, tiền giải phóng mặt bằng, phương án giải phóng và Chính phủ cho chủ trương.
Đến nay, 11 dự án thành phần đã có tư vấn thiết kế toàn bộ, 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công toàn bộ và đang đấu thầu, từ tháng 7 sẽ khởi công toàn bộ các gói thầu. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được chuyển sang đầu năm 2020.
Còn lại 8 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), ông Thể cho biết sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương và tập trung giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT cũng đang sơ tuyển nhà đầu tư và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với 170 nhà đầu tư tham gia.
Dự kiến, đến tháng 3/2020 sẽ mở thầu và tìm ra 8 nhà đầu tư và liên doanh tốt nhất để giao. Theo Bộ trưởng Thể, so với yêu cầu của Đảng, Chính phủ, nhân dân thì việc triển khai vẫn bị đánh giá là chậm, đây đều là những quy định của Luật chứ không phải của Bộ GTVT
"Dư luận hỏi vì sao có tiền rồi mà không làm, xin thưa, Luật Đầu tư công của chúng ta như vậy. Tôi nghĩ rằng cần cải tiến bố trí vốn và xem xét lại trình tự thủ tục của luật đầu tư công cần xem xét lại. Đề nghị Quốc hội giữa nhiệm kỳ lập dự án lớn cho nhiệm kỳ sau, tránh việc bố trí được tiền rồi mà dự án không được triển khai", ông Thể nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.