Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hết tháng 12/2021, tối thiểu giải ngân 90% kế hoạch

17/06/2021 14:21 GMT+7
Các dự án cao tốc Bắc - Nam đang đối diện với nguy cơ chậm tiến độ dự án, chậm tiến độ giải ngân do thiếu nguồn vật liệu, đặc biệt, giá vật liệu tăng đe doạ tới nguy cơ vỡ tiến độ dự án.

Cơ chế đặc thù khai thác vật liệu

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Cụ thể, sau khi nghe tờ trình của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã trao đổi, thảo luận và thống nhất quyết nghị: UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được thực hiện một số "cơ chế đặc thù" gồm: Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hết tháng 12/2021, tối thiểu giải ngân 90% kế hoạch  - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Thế Anh).

Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Khi thực hiện "cơ chế đặc thù" nêu trên, UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm chỉ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.

Cấp phép khai thác phải đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc dự án đường cao tốc; Kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; thực hiện việc công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước,…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Nhằm thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, đồng thời chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án:Phân công trách nhiệm cụ thể lãnh đạo đơn vị, cán bộ theo dõi tiến độ thực hiện các dự án, báo cáo về Bộ qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ Kế hoạch - Đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán, thủ tục quyết toán các dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hết tháng 12/2021, tối thiểu giải ngân 90% kế hoạch  - Ảnh 2.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu; Chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng; Căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng đã được Bộ chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành thực hiện.

"Đảm bảo kế hoạch giải ngân tổng thể các dự án của Bộ trong năm 2021 hết tháng 12/2021 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/01/2022 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, trong đó các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2021", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Đối với một số dự án mới được giao bổ sung kế hoạch, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ tiến độ triển khai, cập nhật, chuẩn xác kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng còn lại trong năm 2021 gửi Bộ GTVT (qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ Kế hoạch - Đầu tư) theo đúng thời hạn quy định trong Quyết định giao vốn, để Lãnh đạo Bộ xem xét, chấp thuận làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Người đứng đầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực.

Đồng thời, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thanh toán, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán; Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch.

Cùng với đó, đảm bảo chất lượng công trình, coi việc đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ KH&ĐT tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công (về trình tự, thủ tục triển khai kế hoạch, trình tự thủ tục thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn...) đối với các dự án phát hiện có vướng mắc, trì trệ trong công tác giải ngân. Chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn....


Thế Anh
Cùng chuyên mục