Vừa qua, Dân Việt đã thông tin về việc “Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bị kiện vì ba ba” do quyết định xử phạt không đúng theo một số quy định về quản lý động vật quý hiếm hiện nay. Được biết, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) vừa hoàn thành Dự thảo “Thông tư quy định điều kiện khai thác và gây nuôi một số động vật rừng thông thường” nhằm thống nhất trong quản lý các loại động vật này.
Xung quanh dự thảo thông tư trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Tùng - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, người chủ trì soạn thảo nội dung các quy định này.
|
Ba ba là loài vật nuôi được sản xuất, kinh doanh thương mại bình thường. |
Không đưa ba ba vào quản lý
Ông có nhận định gì về việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp vì vận chuyển ba ba không giấy phép?
-Trong vụ kiện giữa Công ty TNHH Tiền Hậu và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, một trong những căn cứ ít ỏi mà tỉnh Quảng Bình đưa ra dựa trên bản dự thảo thông tư nói trên (được Bộ NNPTNT ban hành ngày 30.8.2011-PV).
Bản dự thảo lúc đó có đưa ba ba vào danh mục quản lý, có nghĩa là, nếu được thông qua, ba ba sẽ có sự kiểm soát, cấp giấy xác nhận của lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thông tư trên vẫn chưa được thông qua, nên việc tỉnh Quảng Bình chỉ dựa vào quy định trong bản dự thảo của một thông tư chưa được ban hành là không đúng.
Được biết, Bộ NNPTNT đã chỉnh sửa dự thảo thông tư mới. Trong quy định, ba ba có được đưa vào danh mục quản lý không, thưa ông?
- Trong bản dự thảo cuối cùng mà chúng tôi chuẩn bị trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét ban hành, sẽ không còn ba ba trong danh mục quản lý nữa. Lý do là, ba ba có nguồn gốc đầu tiên từ rừng, nhưng đã được bà con nông dân gây nuôi từ nhiều năm nay để làm thực phẩm.
Việc nuôi ba ba phổ biến như nuôi tôm, nuôi cá. Do vậy, việc gây nuôi, phát triển và tiêu thụ ba ba cũng không ảnh hưởng đến tự nhiên, các vật nuôi khác, không ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân xung quanh khu vực nuôi.
Bởi vậy, theo quan điểm của chúng tôi, không đưa ba ba vào để quản lý. Việc đưa vào dự thảo trước đây là để mọi người góp ý thêm mà thôi. Sau đó, trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng, không nên đưa ba ba vào để quản lý. Khi đó, sẽ không còn những vụ việc mang tính tiền lệ như ở Quảng Bình nữa.
Thủ tục cho nông dân sẽ thông thoáng hơn
Vậy trong quy định tới đây, khi gây nuôi, tiêu thụ động vật hoang dã, bán hoang dã, người dân có nhất thiết phải có chứng nhận của kiểm lâm?
- Đối với các vật nuôi nằm trong danh mục, sẽ phải tiến hành các thủ tục ở cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên, các thủ tục được đưa ra trong dự thảo cũng khá thông thoáng. Chẳng hạn, khi người dân nuôi động vật hoang dã, chỉ những người nuôi theo hình thức trang trại để buôn bán mới phải đăng ký; còn những người nuôi nhỏ lẻ thì không phải thực hiện. Việc đăng ký cũng rất đơn giản; người chăn nuôi có thể chỉ cần gửi đơn qua đường bưu điện để đăng ký.
Ngoài ra, việc quản lý sẽ giúp cho nông dân có đầy đủ thủ tục xác nhận mỗi khi muốn xuất khẩu động vật ra nước ngoài. Mục đích của thông tư là đưa việc khai thác và gây nuôi động vật rừng vào quy củ.
Tiêu chí và cách rà soát để đưa các động vật rừng vào danh mục của thông tư thế nào, thưa ông?
- Danh mục này được xây dựng và đưa ra cho các cơ quan khoa học góp ý với các tiêu chí rõ ràng. Chúng tôi cũng có đợt khảo sát các trang trại, trong đó có các loài được gây nuôi phổ biến để xây dựng danh mục.
Có nhiều tiêu chí để đưa các động vật này vào hoặc ra khỏi danh mục như: Loài vật đó đã được nuôi phổ biến chưa; nếu phổ biến rồi thì việc nuôi các động vật hoang dã đó có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trại nuôi hay không, có ảnh hưởng đến loài vật này trong tự nhiên hay không? Nếu việc chăn nuôi phổ biến một loài vật nào đó mà không ảnh hưởng gì thì sẽ không đưa vào danh mục.
Vậy quan điểm của ông là nên “cởi trói” cho những vật nuôi thông thường, hạn chế đưa vào danh mục để quản lý?
- Quan điểm của chúng tôi là như vậy. Và thực tế, dự thảo thông tư cũng chỉ đưa vào danh mục khoảng 300 loài trong tổng số hơn 2.000 loài động vật rừng. Số lượng các động vật được đưa vào danh mục có xu hướng giảm trong quá trình soạn thảo. Trong dự thảo thông tư cũng đưa ra quy định, hàng năm, Bộ NNPTNT sẽ xem xét đưa vào, đưa ra các loài động vật hoang dã.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.