Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tin tưởng một năm mới được mùa

27/01/2020 06:30 GMT+7
Năm 2019 là một năm ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt thị trường nông sản có nhiều biến động, nhiều mặt hàng có giá trị giảm. Dù vậy, vượt lên khó khăn, ngành vẫn đạt được những thành tích quan trọng, góp phần vào kết quả phát triển chung của cả nước.

Xung quanh những kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2019, mục tiêu của ngành trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Phóng viên (PV): Năm 2019 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết cụ thể, đó là những khó khăn gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định năm 2019 sẽ là một năm khó khăn và có 3 thách thức lớn với ngành. Một là, dự báo trước tình hình thương mại nông sản cực kỳ khó khăn, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ảnh hưởng đến tình hình thương mại, nhất là mặt hàng nông sản. Hai là, tác động biến đối khí hậu tiếp tục sẽ cực đoan. Ba là, chúng tôi xác định quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi được những bước dài, tuy nhiên về tổng thể, tỷ lệ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cơ bản, từ đó đe dọa đến tính an toàn, sức cạnh tranh, thực hiện các quy chuẩn rất khó khăn.

Tôi cho rằng, đây là những thách thức hết sức khó khăn trong năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tin tưởng một năm mới được mùa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

PV: Có thể khẳng định những khó khăn và thách thức năm 2019 đã vượt qua, cùng với những giải pháp, nỗ lực chủ động từ ngành nông nghiệp. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Với sự cố gắng vượt bậc của của toàn hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, hợp tác xã đến bà con nông dân, chúng ta nhìn nhận lại, năm 2019 vẫn có được kết quả tổng quan, rất tích cực.

Một là, tăng trưởng trong hoàn cảnh tác động của Dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta vẫn đạt mốc trên 2%, đây là cố gắng lớn. Hai là, xuất khẩu nông sản, trong bức tranh khó khăn chung, chúng ta vẫn đạt được 41,3 tỷ USD. Đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay trong một bức tranh toàn cầu rất khó khăn. Ba là, về nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành được 54% số xã (khoảng 4.800 xã). Đó là một cố gắng lớn của chúng ta. Bốn là, hệ số che phủ rừng, chúng ta đã đạt được 41,85%.

Nhìn chung kết quả năm 2019 là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh khó khăn.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2019 ghi nhận sự tham gia rất nhiều của các tập đoàn lớn vào ngành nông nghiệp, vậy theo Bộ trưởng, đâu là sức hút của nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước khi trả lời, chúng tôi xin bày tỏ sự biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp của chúng ta đã tập trung cùng với bà con nông dân để trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có được điều này, chúng tôi nhận định có một số vấn đề. Một là, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750 nghìn doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn. Chúng ta đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính, và quan trọng hơn là hơn 30 năm đổi mới thì đã đủ khát vọng để tổ chức, thực hiện tốt để giải quyết những vấn đề trong khu vực nông nghiệp mà trước đây không có điều kiện làm. Và bây giờ các doanh nghiệp, doanh nhân chúng ta đủ điều kiện làm được điều đó.

Hai là, rõ ràng qua đây, có thể thấy rằng ở khu vực nông nghiệp còn tiềm năng lợi thế. Trong khu vực trong nông nghiệp, mặc dù chúng ta xuất khẩu tới trên 40 tỷ USD đến 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, nếu như chúng ta làm tốt sản xuất chuỗi thì giá trị để ra ngay từ khu vực này còn rất lớn.

Chính vì thế, chúng tôi đánh giá nguyên nhân thứ hai là bản thân doanh nghiệp chúng ta đã nhìn thấy, nếu làm tốt, nếu làm chuỗi, nếu tập trung chế biến, nếu tổ chức thương mại thật tốt, đúng theo cơ chế hạ tầng của thời đại thì chắc chắn tìm ra dư địa này.

Ba là, các chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc; 63 tỉnh, thành, tỉnh nào cũng vậy, thành phố nào cũng vậy, liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi trong 3 năm qua, tất cả các xúc tiến đầu tư đều giành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp .

PV: Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt con số khá ấn tượng, trong đó không thể không khể không kể đến sự đóng góp của lâm nghiệp. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về kết quả lĩnh vực lâm nghiệp trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải nói ngành lâm nghiệp đã làm được 3 vấn đề lớn, mục tiêu lớn. Một là, đưa hệ số che phủ rừng của Việt Nam lên đến xấp xỉ 42% . Đây là kết quả mà chúng tôi đánh giá rất cao. Bởi đây là một tỷ lệ cao trong khu vực, khi bình quân của Châu Á cũng chỉ có 29% và thế giới cũng xấp xỉ 26 – 28%.

Hai là, chúng ta đã tập trung hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp từ chỗ rừng Việt Nam chỉ tận dụng củi, một số lâm thổ sản khác, bây giờ đã trở thành một ngành kinh tế. Và một trong những điểm kinh tế rõ nét nhất là một năm chúng ta khai thác gỗ gần 7 triệu ha rừng trồng với gần 20 triệu m3 gỗ để làm nguyên liệu trụ cột chính cho ngành kinh tế chế biến gỗ của nước ta.

Ba là, tạo công ăn việc làm cho gần 20 triệu lao động. Đây là một cố gắng rất lớn. Do đó, chúng tôi đánh giá, ngành kinh tế lâm nghiệp của chúng ta giai đoạn vừa qua đã có cố gắng vượt bậc để đảm bảo 3 trục: kinh tế, môi trường và an sinh.

PV: Năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Vậy năm 2020, con số kì vọng của ngành nông nghiệp sẽ là bao nhiêu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có lẽ, nói về khát vọng thì là phải cao hơn 41 tỷ USD; bởi chúng ta đặt nền tảng trong bức tranh khó. Mặt khác, chúng ta tìm thấy dư địa tiếp, mặc dù chúng ta xác định trước, một trong những thách thức lớn nhất năm 2020 tiếp tục là thách thức về thị trường. Tuy nhiên ngành đã xác định, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 thì chính thức giao cho ngành phấn đấu khoảng 41,5 – 42 tỷ USD. Ngành xác định sẽ bàn và giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu ít nhất từ 42 tỷ USD trở lên.

Đây là mục tiêu không dễ trong bối cảnh chung toàn cầu hiện nay cạnh tranh quyết liệt về thị trường, về nông sản nhưng với quyết tâm cao nhất, sự đồng bộ vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, người dân, chúng ta cố gắng cao nhất để đảm bảo con số cao nhất trong điều kiện cho phép. Rất mong các cơ quan truyền thông vào cuộc, cùng với bà con nông dân, cùng với ngành để chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn, để có kết quả cao nhất.

PV: Nhân dịp Tết đến xuân về, Bộ trưởng có lời chúc như thế nào tới bà con nông dân cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúc bà con nông dân chúng ta đón Tết Canh Tý với một tâm thế tự tin, tin tưởng vào thành quả mà chúng ta đã đạt được ở năm 2019 để chúng ta vững tin, có một quyết tâm cao hơn thực hiện mục tiêu năm 2020. Một năm mới tiếp tục được mùa để có đời sống ấm no, một vùng nông thôn đẹp.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam
Cùng chuyên mục