Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: DN không nên tăng trưởng quá “nóng” vào một thị trường

16/02/2021 16:19 GMT+7
Trao đổi với Etime, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2021, trong bối cảnh Việt Nam thực thi nhiều Hiệp định thương mại, doanh nghiệp không nên tăng trưởng quá “nóng” vào một thị trường nhằm tránh bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Kính thưa Bộ trưởng, năm 2020 ghi nhận 3 dấu mốc lớn liên quan tới các FTA là: Hiệp định EVFTA chính thức thực thi, ký kết thành công Hiệp định RCEP, UKVFTA. Theo đánh giá của ông, đâu là sự kiện đáng chú ý nhất và sẽ đem lại các cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam?

Đây là được coi là 3 dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Cả 3 Hiệp định đều có vai trò quan trọng, bổ trợ cho nhau và thúc đẩy các mục tiêu phát triển thương mại đầu tư, có tác động tích cực đối với cải thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.

Một trong những tác động tổng hòa và quan trọng của cả 3 Hiệp định là vai trò thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, tránh bị phụ thuộc và một thị trường nhất định. Từ đó đảm bảo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, cả 3 Hiệp định đều giúp chúng ta nâng cao vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế, cải thiện hình ảnh, thế và lực của đất nước. Đồng thời, với 3 Hiệp định này, đời sống xã hội, việc làm, an sinh xã hội trong nước cũng theo đó được cải thiện.

Doanh nghiệp không tăng trưởng quá “nóng” vào một thị trường tránh bị kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Một ví dụ rõ ràng nhất về vai trò và tác động của các Hiệp định này là kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA trong khoảng thời gian 5 tháng vừa qua. Đây là một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để chúng ta có thể nhìn thấy được những tín hiệu tích cực, những tác động quan trọng của Hiệp định này trong thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương.

Có thể kể đến những kết quả tích cực nhất từ những con số xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và EU trong thời gian qua. Cụ thể, tính riêng 5 tháng để từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU đạt 17,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Về nhập khẩu, tính riêng 5 tháng để từ khi Hiệp định có hiệu lực, nhập khẩu từ EU đạt 6.9 tỷ USD, tăng 7.6% so với cùng kỳ 2019. Về tổng thể, 12 tháng năm 2020, nhập khẩu từ EU 28 đạt 15.34 tỷ USD, tăng 2.9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với Hiệp định UKVFTA, Hiệp định UKVFTA là bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc tiếp tục tích cực hội nhập quốc tế và đẩy mạnh, nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương.

Cùng với các FTA khác, Hiệp định UKVFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài, ổn định và tạo động lực cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác lớn. Ngoài ra, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định UKVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới. Những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ Hiệp định này phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của UK tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ UK trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch. Bên cạnh đó, những cơ hội về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hóa cũng như cải cách thể chế sẽ tiếp tục được cộng hưởng từ Hiệp định UKVFTA khi triển khai thực thi Hiệp định UKVFTA.

Với Hiệp định RCEP, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác. Hiệp định RCEP được coi là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đây là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ Đô la Mỹ tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), chúng tôi tin rằng Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Doanh nghiệp không tăng trưởng quá “nóng” vào một thị trường tránh bị kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 2.

Năm 2020 ghi nhận số vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất từ trước đến nay.

Trong năm tới đây, theo ông nhận định, các doanh nghiệp làm gì để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, tránh các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM)?

Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, thực thi 14 Hiệp định FTA, qua đó, chúng ta đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Quy mô xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của ta đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc gia tăng xuất khẩu có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, ngay cả khi các doanh nghiệp không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh do các nước nhập khẩu cần bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình.

Tính tới hết năm 2020, đã có 201 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Trong bối cảnh đó, nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại, đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ.

Trong năm 2020, việc bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến việc xây dựng hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các Hiệp hội ngành hàng.

Hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc PVTM và Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Đây là các Đề án nền tảng, tạo khuôn khổ nâng cao năng lực thực thi chính sách PVTM trong bối cảnh hội nhập.

Ngoài ra, nhằm thực thi hiệu quả nội dung phòng vệ thương mại theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT ngày 26/11/2020 hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về PVTM.

Doanh nghiệp không tăng trưởng quá “nóng” vào một thị trường tránh bị kiện phòng vệ thương mại - Ảnh 3.

Các FTA được ký kết mang lại nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế của Việt Nam

Xin ông cho biết rõ hơn, những điều doanh nghiệp cần quan tâm nhằm tránh các vụ điều tra phòng vệ thương mại trong năm 2021?

Về phía các doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các vụ kiện PVTM, các doanh nghiệp trước hết cần nhận thức rõ nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cũng như có kế hoạch chủ động tham gia ứng phó. Để thực hiện được việc này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, cập nhật quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ bị kiện, các doanh nghiệp cần xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá "nóng" vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM hoặc đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, để tăng cường xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cũng cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

Khi bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, các doanh nghiệp cần phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi vụ điều tra PVTM diễn ra.

Thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các Hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tham gia góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình và ngành sản xuất của Việt Nam.

Bên cạnh các biện pháp PVTM có tính "truyền thống", hiện nay có hiện tượng các nước nhập khẩu tăng cường áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Chủ trương của ta là kiên quyết ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong WTO và các FTA.

Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả tốt nhất, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tham gia, phối hợp như tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ.

Không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên đới và ảnh hưởng bởi các biện pháp PVTM và biện pháp chống lẩn tránh PVTM tại một số thị trường nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thanh Phong
Cùng chuyên mục