Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải nguyên nhân chậm điện tử hóa C/O mẫu D

28/12/2019 06:13 GMT+7
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là rất quan trọng. Trong đó, C/O mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) được đặc biệt chú trọng và sẽ điện tử hóa hoàn toàn từ 1/1/2020.

Thưa Bộ trưởng! Vì sao đến nay, việc điện tử hóa thủ tục cấp C/O Mẫu D mới được thực hiện, trong khi 5 năm trước, Việt Nam đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN?

Vào năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2016 về cấp C/O Mẫu D điện tử. Tại thời điểm đó, do các nước ASEAN vẫn duy trì thủ tục cấp C/O giấy nên thủ tục này vẫn chưa được điện tử hóa hoàn toàn. Theo đó, thương nhân xuất khẩu đề nghị cấp C/O Mẫu D nộp hồ sơ, chứng từ điện tử nhưng C/O vẫn được cấp dưới dạng bản giấy.

Từ sau năm 2017, ASEAN đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vấn đề này. Một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia đã thực hiện việc cấp C/O Mẫu D điện tử hoàn toàn.

Nắm bắt được xu hướng đó, để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, với quyết tâm tạo ra bước cải cách mạnh mẽ trong công tác cấp C/O, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đã khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị để có thể chuyển hoàn toàn sang cấp C/O Mẫu D điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu đi 6 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei và Campuchia.

Ngày 9/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3624/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D điện tử hoàn toàn. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải nguyên nhân chậm điện tử hóa C/O mẫu D - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng Quyết định số 3624/QĐ-BCT cho phép thương nhân xuất khẩu đề nghị cấp C/O Mẫu D điện tử hoàn toàn và không có sự tham gia của giấy tờ nữa, cả kể bản C/O cuối cùng được các tổ chức cấp C/O cấp ra?

Đúng như vậy! Theo Quyết định này, doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp C/O qua mạng Internet. Tổ chức cấp C/O phê duyệt, chấp thuận cấp C/O và gửi dữ liệu qua Tổng cục Hải quan sang các nước ASEAN, không phát hành C/O giấy. Như vậy, đây là một thủ tục hành chính trực tuyến ở cấp độ 4.

Xin Bộ trưởng thông tin rõ hơn về những lợi ích mà thủ tục cấp C/O điện tử này có thể mang lại cho doanh nghiệp của Việt Nam?

Trước đây, Bộ Công Thương cũng đã có một số dịch vụ công trực tuyến triển khai ở cấp độ 4. Tuy nhiên, thủ tục cấp C/O Mẫu D điện tử có ý nghĩa đặc biệt vì khối lượng hồ sơ rất lớn. Do vậy, triển khai thủ tục này sẽ đem lại tác động thuận lợi cho rất nhiều doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương ước tính, với việc cấp C/O Mẫu D điện tử, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục nghìn ngày công khi không phải mất thời gian gửi hồ sơ đến các tổ chức cấp C/O và thời gian để tổ chức cấp C/O gửi trả lại mẫu C/O đã cấp. Qua đó, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền giấy tờ khi không còn phải cấp C/O giấy. Đó là lợi ích trước tiên chúng ta có thể thấy được.

Thứ hai, việc cấp C/O Mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công. Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn, doanh nghiệp ở xa khu vực trung tâm là những người hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể.

Thứ ba, việc triển khai cấp C/O Mẫu D điện tử là một bước đổi mới quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước. Khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ đó, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.

Theo Quyết định số 3624/QĐ-BCT, hiện nay, mới chỉ có thủ tục cấp C/O Mẫu D được điện tử hóa hoàn toàn. Vậy đối với thủ tục cấp C/O đi các thị trường khác thì sao? kế hoạch cải cách thủ tục hành chính với các mẫu C/O khác của Bộ Công Thương như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, cấp C/O là thủ tục hành chính được Bộ Công Thương ưu tiên và tập trung trong công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung. Sở dĩ, việc điện tử hóa ở cấp độ 4 được áp dụng với C/O mẫu D trước là do các nước ASEAN đã xây dựng hệ thống kết nối điện tử để trao đổi dữ liệu C/O và đã sẵn sàng chấp nhận C/O điện tử.

Ngoài C/O Mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN, hiện nay Bộ Công Thương đang trao đổi với một số nước đối tác FTA để hướng tới điện tử hóa thủ tục cấp C/O, trong đó có thể kể đến các đối tác như Liên minh Kinh tế Á Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Chi-lê.

Chúng tôi cũng nhận thức rất rõ rằng, thành công của hoạt động này phải có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp, của các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, trao đổi dữ liệu thông suốt với các nước ASEAN.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục