Đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Nhà ở - Bộ Xây dựng tại Diễn đàn Giá trị thực của bất động sản (BĐS) Việt Nam được tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.
Trên thực tế, những xung đột giữa người dân mua, sinh sống tại các dự án đối với Chủ đầu tư, Ban Quản lý liên quan đến chất lượng dự án, chất lượng căn hộ cũng như không gian xanh, công viên, sân chơi… ở các dự án chung cư đang xuất hiện với tần suất dày hơn, nhiều hơn. Người dân đóng tiền, mua nhà với giá của những căn hộ hạng sang, chung cư cao cấp nhưng sau khi nhận nhà chất lượng không tương xứng, tiền đã đóng, nhà đã mua, nhiều người đành phải bấm bụng chấp nhận.
Chính người tiêu dùng tạo dựng nên giá trị của BĐS hiện nay.
Theo ông Khởi, không đợi đến khi các chuyên gia phản ánh, cộng đồng kiến nghị mà ngay từ nhiều năm trước qua tìm hiểu thị trường, Cục Nhà ở cũng ghi nhận tình trạng nhiều chủ đầu tư tự ý nâng cấp chung cư: như cao cấp, bình dân, chung cư hạng A, đô thị xanh, khu đô thị sinh thái để nâng giá bán…
Để khắc phục tình trạng này, trước khi có Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có Thông tư về việc phân hạng các chung cư, phân khúc BĐS. Tuy nhiên, quy định này không đi vào cuộc sống do chưa sát thực tiễn.
Tại Luật Nhà ở 2014 quy định rõ, việc phân hạng chung cư là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước thay vì chủ đầu tư, doanh nghiệp đưa ra. Chính vì vậy, theo ông Khởi sắp tới đây Cục Nhà ở sẽ rà soát toàn bộ các dự án chung cư để thống nhất tên gọi, phân hạng.
Cơ quan Nhà nước sẽ là trọng để tài xác định lại, đánh giá lại nhà chung cư đó có đúng tiểu chuẩn để có tên gọi đó hay không. Để đảm bảo công bằng, tất cả các nhà chung cư đều phải phân hạng lại để xác định giá trị khi giao dịch trên thị trường và thực hiện quản lý, tránh tình trạng trên thị trường các doanh nghiệp tự đặt ra mà không ai biết đúng là sai.
Cũng về tình trạng nâng khống tên dự án, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Chủ đầu tư tự ý nâng giá trị dự án, khai man chất lượng đang làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường và khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Ông Chính nói: “Không thể có kiểu căn hộ cao cấp nhưng người dân phải xếp hàng dài đi thang máy, bị cắt điện cắt nước…. Chúng ta cũng không thể không suy nghĩ xem tại làm sao chủ đầu tư mở bán căn hộ giá rẻ mà người dân lại xếp hàng dài qua đêm để mua”.
Theo ông Chính, đã đến lúc cơ quan chức năng cần tiền kiểm kết hợp cả hậu kiểm về việc phân loại nhà ở thế nào là nhà ở trung bình, cao cấp…Nó phải có tiêu chí rõ ràng, không thể cứ cao cấp để áp đặt giá rồi người dân nhận nhà mới ngã ngửa, cần có những đánh giá nghiêm túc.
"Trong tương lai, chúng ta cần có đánh giá thế nào là siêu sang, trung bình, nhà ở xã hội… Nó là 1 thực thể cho đô thị, nên phải gắn bó với các hạ tầng giao thông, thoát nước, chỗ đỗ xe (có đủ cho người không), kết nối với các hệ thống như thế nào, trường học, bệnh viên, chỗ vui chơi giải trí", ông này nói.
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân khúc chung cư (cả kể hạng giá rẻ, cao cấp) đang có tính thanh khoản rất tốt. Tuy nhiên, tên gọi của các dự án cao cấp, siêu cao cấp đang bị lạm dụng và ảnh hưởng lớn đến giá trị thực của thị trường BĐS, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản.
Ông Nam nói: “Hiện, không phải doanh nghiệp hay chính sách nhà nước hay giá các phân khúc BĐS tạo nên diện mạo và giá trị thị trường BĐS. Điều tạo nên giá trị của BĐS hiện nay chính là người mua nhà, thị hiếu tiêu dùng và năng lực tài chính của người dân”.
Hiện trong các phân khúc của thị trường thì căn hộ giá rẻ và căn hộ thương mại (bao gồm cả căn hộ cao cấp) có số lượng bán nhiều nhất, chiếm trên 70% thị phần. Điều đó cho thấy, thị trường đang phát triển rất nóng phân khúc này, nếu không xác định đúng tên gọi, đúng phẩm cấp thì người tiêu dùng chịu thiệt trước tiên, sau đó đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”.
Nguyễn Tuyền (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.