“Bóc mẽ” dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng nhiều biệt thự, liền kề

24/07/2019 11:11 GMT+7
Dù có tên là Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng trong nội dung phê duyệt thì đa số diện tích là biệt thự, liền kề. Thông tin này đã khiến dư luận bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn… và tới nay đã có kết quả thanh tra toàn diện dự án.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Kết luận Thanh tra toàn diện dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) của Đoàn thanh tra liên ngành TP do Chánh Thanh tra TP.Hà Nội Nguyễn An Huy đã ký tháng 4/2019. Theo đó, các sở, ngành của UBND tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn trước khi hợp nhất Mê Linh về Hà Nội Nhiều sai phạm, tồn tại trong việc tham mưu chấp thuận, phê duyệt ... đầu tư dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng mắc phải hàng loạt các sai phạm như: huy động vốn, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính… trong quá trình thực hiện dự án này.

 Tên dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) gây hiểu lầm. 

Tên dự án gây hiểu lầm

Theo kết luận của Chánh Thanh tra TP.Hà Nội, xuất phát từ nhu cầu cần thiết, năm 2008, Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã trình đề nghị xin chủ trương cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp và đã được Tỉnh ủy, UBND “Tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận giao công ty CP đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần tập đoàn Videc) thực hiện.

Theo Quyết định số 2365/QĐ – UBND ngày 11/07/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định dự án: “Tính chất: Là khu nhà ở được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; một phần dành cho các đối tượng có thu nhập thấp đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của nhân dân địa phương, góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch chung Đô thị mới Mê Linh theo xu hướng hiện đại hóa. Quy mô quy hoạch 14,449ha; Quy mô dân số: 2.400 người…”. Trong đó, đất ở 50.005,5m2 gồm Nhà liền kề 13.824,5m2; Nhà biệt thự 21.634m2; Nhà chung cư cao tầng 14.546m2;

Tuy nhiên, quá trình lập, trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch; lập, phê duyệt, cho phép đầu tư dự án được thực hiện theo loại dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị và kinh doanh nhà (trong đó có một phần nhà chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp). Tên dự án vẫn được giữ nguyên theo văn bản phê duyệt chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc là: “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp”. 

“Vì vẫn giữ nguyên tên gọi pháp lý là dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nên gây hiểu lầm, với những thông tin làm “nóng” truyền thông thời gian vừa qua. Trước vấn đề này, Videc đã có kiến nghị xin đổi tên dự án về đúng bản chất để tránh suy diễn không nên có”, đại diện Videc giải thích.

Ngoài ra, vị đại diện Videc cho rằng, tại thời điểm Videc lập và được phê duyệt dự án thì pháp luật chưa có quy định về đối tượng “nhà ở cho người thu nhập thấp”, mà chỉ có quy định về “nhà ở thương mại” và “nhà ở xã hội”. Tên gọi Dự án là “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp” đơn thuần chỉ nhằm xác định sản phẩm là sản phẩm thương mại giá rẻ để phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình và thấp trên địa bàn do khu vực Mê Linh tại thời điểm đó có nhiều Khu công nghiệp và đang được đầu tư hạ tầng xã hội để phát triển theo định hướng phát triển đô thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

“Dự án là khu nhà ở hỗn hợp, bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000. Việc dự án bố trí 25% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với quy định của pháp luật”, đại diện Videc khẳng định.

Mặt khác, đại diện Videc cũng cho biết, Công ty cũng chỉ được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng nhà chung cư (nhà ở xã hội), còn các diện tích đất ở còn lại của dự án thì Công ty không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào của Nhà nước.

Dự án đang âm hơn 164 tỷ đồng

Liên quan đến việc ký hợp đồng đầu tư với 74 khách hàng năm 2010, đại diện Videc lý giải: Năm 2010, dự án đã hoàn thành giải phóng phần lớn mặt bằng và đã thi công hạ tầng đối với các khu vực đã giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 2365/QĐ-UBND.

Do đó, việc chủ đầu tư kí hợp đồng hợp tác với khách hàng là phù hợp với quy định tại khoản một phần VIII Thông tư số 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 của Bộ Xây dựng “…lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kĩ thuật theo giai đoạn đầu tư đã được xác định trong Quyết định cho phép đầu tư”.

Việc ký 87 hợp đồng mua bán với khách hàng, Videc thừa nhận việc chậm trễ trong hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án do có vướng mắc tại địa phương.

“Hiện nay, Công ty Videc đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội”, đại diện Videc cho biết.

Phủ nhận thông tin Videc thu lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng từ việc kinh doanh nhà liền kề, biệt thự tại dự án, đại diện Videc cho hay, dự án được phê duyệt với quy mô xấp xỉ 16,8ha, trong đó diện tích đất nhà ở liền kề và biệt thự khoảng 5ha. Đơn giá đền bù của TP Hà Nội xấp xỉ 1 triệu đồng/m2. Chi phí giải phóng mặt bằng chủ đầu tư phải bỏ ra, chi trả tính khoảng 168 tỷ đồng. Về xây dựng hạ tầng, theo suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng khoảng 6,5 tỷ đồng/ha.

Như vậy, chi phí xây dựng hạ tầng của dự án xấp xỉ khoảng 110 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất theo đơn giá được phê duyệt 1,07 triệu đồng/m2 thì tiền sử dụng đất của dự án xấp xỉ 54 tỷ đồng. Tổng chi phí dự án tính sơ bộ ban đầu 332 tỷ đồng. Dự án bị kéo dài 10 năm (từ 2008 đến 2019) do thay đổi địa giới hành chính. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng 10 năm qua dao động từ 12 – 25%. Bởi vậy, tính cả lãi suất ngân hàng, tổng chi phí dự án The Diamond Park bị tăng lên tối thiểu 200%, xấp xỉ 664 tỷ đồng.

Về doanh thu, nếu bán hết đất liền kề, biệt thự theo đơn giá thị trường hiện tại khoảng 10 triệu đồng/m2, doanh thu chủ đầu tư thu về khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên thị trường bất động sản Mê Linh tính thanh khoản đang rất kém. Vì vậy, dự án theo tính toán ước tính đang âm hơn 164 tỷ đồng./.

Trần Kháng
Cùng chuyên mục