“Truyền nước biển” cho cam
Được biết, phong trào bơm thuốc trực tiếp vào thân cây cam khởi phát ở nhiều tỉnh ĐBSCL vài năm trở lại đây. Khi vườn cam bị bệnh vàng lá, bà con sử dụng cách bơm thuốc để cứu chữa, thay vì đốn bỏ như nhiều năm trước đây. Để bơm thuốc vào cây cam, người dân sẽ khoan một lỗ khoảng 2cm trên thân (cách mặt đất khoảng 10cm), sau đó dùng ống bơm để chích thuốc vào.
Tiêm thuốc vào thân cam trị bệnh là cách làm tự phát của nông dân, chưa được kiểm chứng về mặt khoa học. Ảnh: T.L
"Thời gian cam ra hoa đến khi thu hoạch quả khoảng 8 tháng, nếu tiêm khi trái còn nhỏ sẽ không còn tồn dư chất kháng sinh, nhưng nếu tiêm trước khi thu hoạch 1-2 tháng, rất có thể dư lượng kháng sinh vẫn còn trong trái”.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đầy
|
Tuy không phải là vùng trọng điểm trồng cam của tỉnh Sóc Trăng, nhưng huyện Mỹ Tú cũng có đến hơn 2.000ha cam sành. Tuy nhiên, giá cam đang có xu hướng giảm. Kỹ sư Nguyễn Văn Đầy - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cam chỉ được trên dưới 10.000 đồng/kg.
Về hiện tượng bơm thuốc trực tiếp cho cây để trị bệnh vàng lá, kỹ sư Đầy thừa nhận, nông dân trên địa bàn có sử dụng phương pháp này. “Nhưng đó chỉ là sáng kiến tự phát của nông dân, kiểu “còn nước còn tát”. Thực tế, những cây cam bị chích thuốc cũng không sống được lâu, chỉ một thời gian sau là chết” - kỹ sư Đầy nói.
Cũng theo kỹ sư Đầy, khi cây cam bị bệnh vàng lá, bộ rễ hầu như không hấp thụ được các loại dưỡng chất nên bà con mới nảy ra sáng kiến tiêm các loại thuốc vào thân cây. “Giống như người bị bệnh hay được truyền nước biển vậy” - ông Đầy ví von và cho biết thêm, người dân pha rất nhiều loại thuốc, phân, kháng sinh, thuốc trừ bệnh rồi tiêm vào thân cây cam.
Ông Nguyễn Thơ cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên ông nghe đến phương pháp trị bệnh vàng lá cho cam kỳ lạ như thế này. “Trên cây cam có 2 loại bệnh nghiêm trọng, đến giờ vẫn chưa có thuốc đặc trị là bệnh greening, ngoài Bắc gọi là bệnh vân vàng lá cam (hay bệnh hoàng long); bệnh thứ hai là vàng lá thối rễ do một tập đoàn nấm trong đất kết hợp với tuyến trùng gây nên. Khi cam mắc hai bệnh này chỉ có thể nhổ bỏ, tiêu hủy để cắt mầm bệnh” - ông Thơ cho biết thêm. Từng nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ thực vật, ông Thơ khẳng định: “Biện pháp này không khả thi”.
Có ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng?
Ông Đầy thông tin, thực tế một số vườn cam trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã bơm thuốc vào thân cây cam, thì cây cũng hồi phục, cho trái thêm được 1-2 vụ rồi chết.
Trả lời câu hỏi về việc liệu tồn dư thuốc kháng sinh được tiêm vào thân cây cam để trị bệnh có ảnh hưởng đến người sử dụng hay không, ông Đầy cho biết: “Theo các nhà khoa học, các loại thuốc kháng sinh mất khoảng 80 ngày để tiêu hủy hết. Thời gian từ khi cam ra hoa đến khi thu hoạch quả khoảng 8 tháng, nếu tiêm khi trái còn nhỏ thì có lẽ không còn tồn dư chất kháng sinh, nhưng nếu chỉ tiêm trước khi thu hoạch 1-2 tháng, rất có thể dư lượng kháng sinh vẫn còn trong trái”.
Ông Đầy cũng khẳng định, một số nhà khoa học ở Cần Thơ khi kiểm tra vườn cam có tiêm kháng sinh, ghi nhận có hiện tượng tồn dư thuốc trong giai đoạn trái gần chín. Trong khi đó, đại diện ngành nông nghiệp huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, thời gian thu hoạch của cây cam có tiêm thuốc kéo dài hơn 15 ngày so với cây không tiêm.
Điều đáng nói là, “sáng kiến” kỳ lạ này người dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã áp dụng được vài ba năm trở lại đây nhưng vẫn chưa có đánh giá khoa học nào về phương pháp này, tác động đến cây cam và chất lượng sản phẩm ra sao.
“Chúng tôi cũng đã kiến nghị Sở NNPTNT Sóc Trăng tổ chức hội thảo chuyên sâu, mời các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá khách quan về cách làm này, từ đó có những khuyến cáo cho người dân” - ông Đầy nói.
Ông Đầy thông tin thêm, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai một dự án rất lớn về phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái và chắc chắn thời gian tới sẽ có đánh giá cụ thể hơn về sáng kiến này. “Còn hiện tại, chúng tôi khuyến khích người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cải tạo vườn cây, xới đất cải tạo để kích thích cây ra rễ mới, có như vậy vườn cam mới phát triển bền vững” - ông Đầy chia sẻ.
Ông Nguyễn Thơ nói: “Từ trước đến nay, tôi chỉ thấy người ta áp dụng kỹ thuật tiêm Photphonic (lân) vào thân cây sầu riêng để trị bệnh loét cây. Thái Lan cũng đã áp dụng phương pháp này và cho thấy hiệu quả. Còn với cây có múi thì chưa thấy bao giờ” - ông Thơ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.