Bốn đề xuất cải cách giáo dục của GS Hoàng Tụy

Thứ năm, ngày 29/09/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Cần thay đổi cơ bản cách học và thi, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề, hiện đại hoá đại học, thay đổi chính sách đối với đội ngũ giáo chức...”. Đó là 4 đề xuất mạnh mẽ của GS Hoàng Tụy.
Bình luận 0

Dân Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông (lược trích), tập trung vào hai vấn đề quan trọng nhất là cải cách cách học, thi cử và cải cách tiền lương cho giáo viên.

img
Theo GS Hoàng Tụy, việc học và thi cử đang là nỗi khổ ải của nhiều học sinh (ảnh minh họa).

Thi cử là “khổ dịch”

Chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội nghị T.Ư Khoá VIII xem phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thật không may cho đất nước, một nghị quyết quan trọng như thế đến tận giờ này chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh.

Thậm chí, mặc cho nhiệm vụ cải cách giáo dục đã được đề ra và nhắc lại trong các nghị quyết Đại hội X và 3 Hội nghị T.Ư sau đó, ngành giáo dục vẫn trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời. Dù chìm đắm triền miên trong lạc hậu, ngành giáo dục vẫn miên man trong ảo giác, tự tung hô với những thành tích được coi là đặc biệt xuất sắc nhưng thực chất chỉ làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ.

(…) Năm nào cũng có nhiều đề xuất cải tiến thi cử nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Lẽ ra phải nhằm giúp cho người học có một cách hiểu đúng đắn, trung thực về thế giới và cuộc sống, để từ đó nêu cao đức tính trung thực, phát huy đầu óc chủ động sáng tạo, ý thức độc lập và cách nhìn xơ cứng về thế giới và cuộc sống, dung túng và khuyến khích bệnh dối trá, đầu óc nô lệ bắt chước, tính ỷ lại, nói theo, làm theo, nghĩ theo vô trách nhiệm.

Thi thì vẫn mãi là một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh.

Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sách giáo khoa.

Trong khi đó với cách nhìn hệ thống mới có thể thấy rõ bản chất và nguyên nhân sâu xa của tình hình trên, đã sang thế kỷ 21 nhưng phải nói thật rằng giáo dục của ta vẫn giữ khư khư nhiền quan niệm cổ hủ thời phong kiến nho giáo hay thời trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện phục vụ cho các mục đích được áp đặt từ trước.

Cần nhận ra những hệ lụy tiêu cực của tình hình đó đối với tương lai phát triển của xã hội (rõ nhất là việc chính trị hoá nhà trường một cách thô bạo) để tìm giải pháp nhanh chóng thoát ra.

Ngoài việc bức thiết phải đổi mới hoàn toàn tư duy về học và thi, việc còn quan trọng hơn về lâu dài là phải nghiên cứu một giải pháp tương tự như thế tục hoá giáo dục, nhờ đó phương Tây đã nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong lúc phương Đông đang ngủ dài trong văn minh nông nghiệp.

Niềm tự hào… đáng buồn nhất

Vấn đề cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công, cả về tinh thần lẫn vật chất mà vẫn tận tụy gắn bó với nghề trong mấy chục năm qua.

Nói đến điều này dĩ nhiên không thể bỏ qua những gương xấu trong ngành, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng số này dù sao vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc thê thảm của tất cả thầy giáo của ta, từ mẫu giáo cho đến đại học và trên nữa.

img Vấn đề này gắn liền mật thiết đến cái quốc bệnh tham nhũng, cho nên càng cần được đặt ra nghiêm túc và khẩn thiết vì giải quyết cái u này là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục thật sự trở thành quốc sách hàng đầu. img

GS Hoàng Tụy

Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác thì tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của ta mà giáo dục còn được thế này đó thật sự là kỳ công, đáng là niềm tự hào đáng buồn nhất của giáo giới Việt Nam.

Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và… lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không thể giữ nổi mình thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hoá, khoa học nữa.

Dĩ nhiên vấn đề chính ở đây là sự giả dối do chính sách tạo ra. Một mặt vẫn nói, “tôn sư trọng đạo”, một mặt chi cho thầy giáo đồng lương không đảm bảo một mức sống tối thiểu bình thường, chưa nói là tử tế. Để rồi khuyến khích họ phải bươn chải để sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm, toàn ý làm tốt được nhiệm vụ. Có thể nói không quá đáng, hầu hết mọi căn bệnh tiêu cực tàn phá giáo dục trong mấy thập kỷ qua đều có nguồn gốc ở chính sách lương, thu nhập kỳ quặc đó.

(Tít và tựa trong bài do tòa soạn đặt) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem