Bốn nông dân bị lừa làm nô lệ ở Campuchia

Thứ bảy, ngày 18/12/2010 13:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 4 thanh niên người dân tộc Hrê ở huyện An Lão (Bình Định) vừa thoát cảnh "nô lệ" ở Campuchia trở về. Gặp PV NTNN chiều 17- 12, họ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bình luận 0

Qua tay hai chủ buôn người

img
Nạn nhân Đinh Văn Cư (người thứ 2 từ trái sang) kể lại chuyện bị lừa sang Campuchia cho các bạn trong làng.

Sáng 5-11, Đinh Văn Cư (28 tuổi, trú tại thôn 7, thị trấn An Lão) được Hà Trọng Phúc (quê Thanh Hóa, trú tại quê vợ ở thôn 4, xã An Trung, huyện An Lão) rủ đi Lâm Đồng hái cà phê.

Về nhà đã nhiều ngày, nhưng cả 4 lao động ở huyện An Lão vẫn chưa hoàn hồn. Hễ thấy người lạ là họ bỏ trốn.

"Tiền công 3 triệu đồng/tháng, chi phí tàu xe đi về, ăn ở được chủ đãi"- Phúc nói. Tin lời "cò" này, Cư và 35 lao động là người dân tộc Hrê ở các xã An Vinh, An Dũng, An Trung, An Quang và thị trấn An Lão (huyện An Lão) lên đường vào Lâm Đồng với hy vọng kiếm được ít tiền về ăn Tết Tân Mão.

Xe chở họ chạy từ 13 giờ ngày 5-11 đến 4 giờ sáng 6-11 thì dừng bánh tại một khu đất vắng có một dãy nhà cấp 4. Tiếp đoàn lao động là những thanh niên mặt mày dữ tợn, đằng đằng sát khí.

Chúng lùa hết số lao động vào nhốt trong nhà, kèm theo lời dặn "nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai muốn tiểu tiện thì cứ đi vào bô đã để sẵn trong phòng". Sáng hôm đó, một người đàn ông nói giọng Bắc tên Trọng vào bảo anh Cư, anh Đinh Văn Thật (SN 1982, làng Tmanghen, xã An Trung), em Đinh Thị Ô (SN 1989) và em Đinh Thị Phong (SN 1994, ở thôn 2, xã An Vinh) ra ngoài ký vào miếng giấy do người được giới thiệu là ông chủ, tên Minh Nghĩa, đưa cho. Hầu hết các lao động chỉ lăn tay vì không biết chữ.

Trọng đưa một xấp tiền cho Nghĩa rồi chở 4 lao động đến một ngôi nhà nằm giữa khu đất rộng hoang vắng. Ở đây Trọng lại buộc họ "ký" vào những tờ giấy mà không ai biết nội dung là gì. Sau đó, ông chủ nhà tên là Đà đưa cho Trọng 6,2 triệu đồng và bảo những lao động này có tài sản cá nhân gì thì đưa hết cho ông ta giữ.

Từ đó, Cư, Thật, Ô, Phong cùng 2 lao động khác được ông Đà “mua” trước đó là Đinh Thị Trâm (1986, dân tộc Hrê, ở Quảng Ngãi) và Bùi Văn Thuận (1994, dân tộc Mường, ở Thanh Hóa) làm việc quần quật cho vợ chồng ông Đà, không kể giờ giấc, nắng mưa.

Hết cắt cỏ, làm đất, hái bí lại làm cỏ đậu, hái cà phê... Họ hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Sau 15 ngày làm thuê, những lao động trên hỏi tiền công thì mới biết mình bị tên Trọng bán đứng cho vợ chồng ông Đà với giá 1,5 triệu đồng/người. Muốn có lương thì trước mắt phải làm việc không công để trừ hết nợ!

Xuất ngoại làm "nô lệ"

Một hôm ông Đà bảo Thật cùng đi TP.HCM mua lúa giống. Lúc lên xe ô tô, Đà đưa cho Thật một lon bia. Uống vô Thật không còn hay biết gì nữa. Tỉnh dậy Thật thấy mình đang ở giữa một cái cồn đất nhỏ, chung quanh là biển nước mênh mông.

Ông Đà để lại cho Thật một túi gạo, ít muối, bột ngọt và một tấm lưới, rồi bảo: "Ở đó, tìm cây, lá làm trại mà ở, đánh cá mà ăn, tao đi mua lúa giống rồi sẽ về". 5 người ở lại bị vợ Đà buộc đi Châu Đốc (tỉnh An Giang).

"Tới đó cắt lúa sẽ được trả công cao hơn"- vợ Đà nói. 5 anh em không biết phản ứng sao, phải chấp nhận lên xe đi Châu Đốc.

Tại đây, Đà đón sẵn và đưa 5 anh em xuống một chiếc ghe máy cho một người lạ mặt đưa đi. Sáng ngày 23-11, 5 lao động trên đã gặp lại Thật tại cồn đất không có người ở. Thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe máy ghé vào cồn, họ nói chuyện với ông Đà bằng thứ tiếng gì đó không phải tiếng Việt, đưa cho ông Đà cả nắm tiền, rồi bỏ đi.

“Lúc này anh em mới nghĩ là mình bị lừa bán sang Campuchia. Cuộc sống khổ cực, đói rách bào mòn sức lực họ, có người trong chúng tôi đã nghĩ đến cái chết” - Thật kể.

Một hôm có một chiếc ghe máy ghé vào cồn, một người phụ nữ đứng tuổi tự xưng là Hồng Điệp, người Việt Nam, lên bờ gặp ông Đà. Lúc đó chỉ có 3 chị em ở lại trại. Ô và Phong năn nỉ bà Điệp cứu giúp.

Họ kể hoàn cảnh bi thảm của mình khiến bà Điệp mủi lòng cho lên ghe và đưa về Đồn Biên phòng 941 tỉnh An Giang. Riêng Trâm vì lo sợ ông Đà bắt được sẽ đánh chết nên không dám bỏ trốn.

Hai ngày sau, Bộ đội Biên phòng Đồn 941 đã phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt được tên Đà (tên thật là Dương Duy Vũ, quê ở Quảng Ngãi) và giải cứu cho 4 lao động còn lại. Tỉnh An Giang đã có công văn gửi tỉnh Bình Định báo tin, địa phương này đã cử cán bộ vào đón 4 lao động về quê nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem