Bóng đá 2011: Truyền thống quý hơn vàng

Thứ bảy, ngày 31/12/2011 07:01 AM (GMT+7)
Dân Việt - Trong thời điểm kết thúc năm 2011, thực tế lại chứng minh rằng: Tiền chưa chắc đã mua được thành công.
Bình luận 0

“Mua danh” bằng tiền

Bóng đá hiện đại cũng như cuộc sống thường nhật, không có tiền thì không thể làm được gì. Nhờ có tiền, Manchester City đã giải tỏa được cơn khát danh hiệu kéo dài tới gần 4 thập kỷ (đoạt cúp FA mùa trước) và hiện tại đã được coi là một “dải ngân hà” với hàng loạt ngôi sao sáng giá. Từ khoản lời với những thùng dầu mỏ, các ông chủ A-rập đã đầu tư gần 1 tỉ USD trong mấy năm qua để thay da đổi thịt cho Man “xanh”.

img

Có tiền quả có khác, Manchester City đã không còn lép vế so với đại kình địch cùng thành phố Manchester United. Sau thời của Robinho rồi Tevez, Manchester City hiện tại là đội ngũ của những ngôi sao hàng đầu thế giới như Balotelli, Dzeko, Silva, Aguero… Kết luận: Không có tiền thì chẳng biết đến bao giờ Manchester City mới oách được như bây giờ.

Được gọi là “Manchester City của Pháp”, Paris Saint Germain (PSG) cũng đang rất khát khao chấm dứt gần 20 năm không vô địch Ligue I bằng những khoản đầu tư khổng lồ. Hơn 300 triệu euro đã được đội chủ sân Công viên các hoàng tử chi ra để chiêu mộ hàng loạt siêu sao như Gameiro, Pastore và thậm chí, họ đang muốn mua cả Beckham hoặc sẵn sàng bỏ ra 101 triệu euro mua Pato để đánh bóng hình ảnh.

Cũng không thiếu tiền, ở nước Nga xa xôi, Anzhi Makhachkala đã chi ra cả núi tiền để mua về các danh thủ đương thời như Eto’o, Zhirkov hoặc đã xế bóng nhưng vẫn đầy sức hút như Roberto Carlos. Lúc cao hứng, ông chủ Suleyman Kerimov của Anzhi còn muốn trả tới 100 triệu USD tiền lương để mời Mourinho về dẫn dắt đội bóng. Chẳng hiểu ông Kerimov có muốn chơi ngông hay không, nhưng thực tế không thể phủ nhận là Anzhi lập tức nổi danh như cồn trên toàn thế giới.

Tiếng vọng của lịch sử

Tiền tạo nên sự khác biệt, nhưng tiếng vọng của truyền thống mới đóng vai trò quyết định với thành công của các đội bóng nếu thu hẹp tầm nhìn trong năm 2011.

Manchester City hiện vẫn đứng đầu bảng giải ngoại hạng Anh, nhưng so với Manchester United thì họ đang chịu vô vàn sức ép. Nhà đương kim vô địch cũng đầu tư khá nhiều tiền trong mùa hè qua, nhưng không ai bảo họ hoang phí và với lực lượng hiện có.

Việc “Quỷ đỏ” có cùng số điểm, chỉ xếp sau Manchester City do kém chỉ số phụ là một thành công lớn. Cần nhớ, với truyền thống của tân kỷ lục gia xứ sở sương mù (vừa vượt qua Liverpool để lập kỷ lục về số lần vô địch quốc gia mùa trước) và bản lĩnh dày dạn, Manchester United có thể áp dụng chiến thuật “núp gió” để vượt lên bất cứ lúc nào.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV Mancini của Manchester City đã nói: “Ngôi đầu bảng với chúng tôi bây giờ là một gánh nặng bởi kỳ vọng thành công sẽ đi kèm với sức ép rất lớn”.

PSG cũng đang đứng ở tốp đầu Ligue I, nhưng nội tình của họ hiện khá rối ren khi huấn luyện viên Kombouare đã bị sa thải vì không đáp ứng được tham vọng của các ông chủ lắm tiền nhiều của. Sắp tới, nhà cầm quân của đội bóng nước Pháp có thể là Ancelotti, nhưng với áp lực cực nặng của thành công theo kiểu ăn xổi, chỉ cần vài trận chuệch choạc là PSG có thể đánh mất tất cả. Trong khi đó, Lyon không bỏ ra quá nhiều tiền, nhưng đang có những bước tiến rất vững để cạnh tranh thực sự ngôi vô địch mùa này.

Anzhi thì khỏi phải bàn bởi nếu “so thành bại, luận anh hùng” thì họ đã thất bại toàn diện ở mùa trước. Chỉ đứng giữa bảng xếp hạng, không được tham dự cúp châu Âu mùa tới là nỗi hổ thẹn của Anzhi. So với CSKA, Spartak, Zenit thì rõ ràng, Anzhi kém xa dù xét trên phương diện sức hút từ truyền thông thì họ là số một.

Nói không quá, có tiền thích thật, nhưng muốn có thành công chỉ bằng tiền không phải chuyện đơn giản. Truyền thống có những sự tác động vô hình mà hiệu quả, nhưng điều này được tạo nên không chỉ bằng tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem