Diệu Linh
Thứ ba, ngày 22/02/2022 10:43 AM (GMT+7)
Thời tiết giá lạnh, nhiều nơi có băng tuyết sẽ khiến nhiều người bị bỏng lạnh, dẫn đến nguy cơ cụt chi vì bỏng lạnh nếu như người dân không biết cách đề phòng giá lạnh.
Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), bỏng lạnh giai đoạn sớm thì da thay đổi từ đỏ sang trắng và nhợt nhạt và chân tay tê cóng; còn bỏng lạnh giai đoạn muộn sẽ khiến vùng da bị bỏng lạnh lốm đốm và sưng tấy hoặc da chuyển sang màu vàng, xanh tím và hoại tử.
Lúc này, nguy cơ cụt chi vì bỏng lạnh là rất lớn.
Bác sĩ Minh từng gặp bệnh nhân (nữ, 63 tuổi, làm nông dân) đã bị bỏng lạnh đến hoại tử chân. Bệnh nhân bị rát đỏ, tê cóng, thâm tím chân vào mùa lạnh nhưng không đi điều trị. Sau một thời gian, chân bị hoại tử, tím đen mới đi khám.
Bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới và có tiền sử uống rượu, nhai thuốc và tăng huyết áp.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến bỏng lạnh?
Bác sĩ Minh cho biết khi thời tiết giá lạnh, nhiệt độ xuống thấp mà người dân không phòng ngừa giá rét, khiến cho vùng da thịt tiếp xúc với không khí giá lạnh ngoài trời kéo dài sẽ dẫn đến bỏng lạnh.
Ngoài ra, những người mệt mỏi, dinh dưỡng kém, những người nghiện thuốc lá rượu bia, hoạt động ít cũng có nguy cơ bị bỏng lạnh cao hơn.
Các bộ phận dễ bị bỏng lạnh là những nơi tiếp xúc nhiều với nhiệt độ lạnh ngoài trời như ngón tay, ngón chân, má, dái tai. Người bị bỏng lạnh sẽ thấy vùng bị bỏng lạnh như ngón tay, ngón chân bị tê cóng, lạnh buốt, da có màu trắng bệch, cứng và mất dần cảm giác.
Nếu bỏng lạnh ở mức độ 1 thì da chỉ mất màu nhẹ, bị phù nề nhẹ hoặc sưng đỏ, đau và tự khỏi sau 1 tuần.
Còn bỏng lạnh mức độ nặng hơn da bị tổn thương nhiều lớp, có màu lốm đốm, sưng tấy, phù nề nhiều, xuất hiện bọng nước. Bệnh nhân cần được điều trị và mất 3-4 tuần mới lành.
Còn bỏng lạnh ở mức độ nặng (3-4) là tổn thương mất cảm giác, tê cứng; Có thể xuất hiện mụn nước sau 12-30 giờ; Sờ cảm giác cứng sâu, nổi da gà; Tổn thương lan rộng đến phần cơ; Trong các trường hợp nặng, da có màu như sáp, màu trắng, vàng xám hoặc xanh xám.
Ở trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ cụt chi vì bỏng lạnh là rất lớn.
Xử lý bỏng lạnh thế nào?
Theo bác sĩ Nguyệt, khi bỏng lạnh ở mức độ 1 chỉ cần nhẹ nhàng thổi hơi nóng hoặc áp vào vùng ấm của cơ thể. Chú ý không cọ sát, dễ gây tổn thương tổ chức bị bỏng.
Ở mức độ 2 cần làm ấm bộ phận bị bỏng lạnh bằng cách ngâm tay, chân vào nước ấm (38°C to 42°C). Chú ý không nên làm ấm bằng nhiệt quá nóng sẽ gây tổn thương cho vùng bỏng lạnh.
Còn bỏng lạnh ở mức độ 3-4 (bỏng sâu) thì cần nhanh chóng làm ấm bằng nước 38°C tới 42°C; Ngăn bị lạnh trở lại; Bảo vệ tổ chức đang tan đông khỏi chấn thương; Làm khô nhẹ nhàng vùng chi, tránh cọ sát vùng bị bỏng lạnh; Lót gạc giữa các ngón tay, ngón chân để giữ cho vùng da tổn thương khô; Không được thắt chặt phần chi tổn thương
Đồng thời để vùng tổn thương nghỉ ngơi; Giữ bọng nước không bị vỡ, dùng gạc vô khuẩn để ngăn mất dịch; Giữ vệ sinh tránh nhiễm khuẩn; Nâng cao chi, giảm phù nề; Tránh dùng nhiệt độ nóng và khô (đèn chiếu, đệm nhiệt…) để làm rã đông vùng tổn thương; Tránh rượu, thuốc lá làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu chảy
Phòng tránh bỏng lạnh
Để phòng tránh bỏng lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân lao động ngoài trời khi thời tiết giá lạnh cần mang bảo hộ lao động đầy đủ để giảm tổn thương do giá rét.
Mọi người cần chú ý giữ ấm bàn tay, bàn chân dù là mùa nào trong năm bởi đây là phần cơ thể tiếp xúc nhiều nhất với nhiệt độ ngoài trời. Các bậc cha, mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ vì trẻ em là đối tượng dễ tổn thương trước tác động của môi trường và hậu quả để lại thường rất nặng nề.
Ngoài ra, những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường lạnh nhiệt độ thấp cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng và lượng nước cần thiết cho cơ thể hoạt động trong môi trường lạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.