Bữa tất niên của nhà sử học Dương Trung Quốc

Thứ năm, ngày 30/01/2014 14:04 PM (GMT+7)
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, đi đâu, làm gì thì bữa cơm chiều 30 Tết nhà ông vẫn là bữa cơm ngon nhất, đông đủ và ấm áp nhất.
Bình luận 0

Khởi đầu từ một kết thúc

Bữa cơm cuối năm tại tư gia của ông bao năm qua vẫn rất truyền thống. Công việc bếp núc thường hướng tới những nghi lễ cho việc thờ cúng gia tiên, chuẩn bị đón khách, thông gia, họ hàng hay bạn bè thân đã nhận lời đến ăn Tết…

“Bữa cơm tất niên chưa phải là bữa thịnh soạn nhất, sang trọng nhất, vì có thể một vài món chính của ngày Tết như bánh chưng, chè kho… thường nấu trong đêm 30. Món ăn thường như là “nếm” những gì chuẩn bị cho ngày Tết. Ví như ăn thử miếng giò mới mua xem có được như ý không, nếm thử món măng hầm xem đã dừ chưa… Nhưng đây thường là bữa ăn ngon miệng nhất! Ngon vì sự ấm cúng của buổi đoàn tụ, vì là bữa “kích hoạt” thú vui ẩm thực chưa bị “no xôi, chán chè” do ăn uống quá nhiều trong những ngày Tết. Sự hồ hởi của bọn trẻ trong nhà sau những ngày chờ Tết cũng làm tăng thêm không khí gia đình”, nhà sử học Dương Trung Quốc tâm sự.

img
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, bữa cơm tất niên là cái khởi đầu của một sự kết thúc.

Nhớ lại cái thời bao cấp, ông trở nên trầm ngâm: “Thời bao cấp khó khăn hơn bây giờ rất nhiều nếu lấy tiêu chí là sự đầy đủ. Nhưng lại nhẹ đầu, thanh thản hơn bây giờ, vì chỉ có thể muốn hơn cũng không có. Mỗi gia đình đều được phân phối gần như nhau những thứ cần trong ngày Tết như gạo nếp, đậu xanh, miến, thịt mỡ, bóng bì, hạt tiêu, mỳ chính, thuốc lá, kẹo, sau này có bột mì viện trợ… lại đến cả lá dong”.

Ông bảo, thuở đó trên mâm cỗ, các nhà thường có nhiều món giống nhau. Riêng bột mỳ thì mua thêm ít trứng, mang theo ít đường đến các lò bánh thuê gia công làm bánh quy gai hay quy xốp tùy thích. Tương đối cổ điển như gia đình thì thế nào cũng phải có một bát măng, bát bóng, đĩa xào hạnh nhân, tráng miệng thì có một miếng chè kho… Riêng ông, luôn có thêm món khoái khẩu là dứa xào với lòng của con gà cúng đêm Giao thừa.

Tiệc khắp bốn phương, ăn nhà vẫn… nhất!

Bà Hằng (vợ ông Dương Trung Quốc) là cán bộ tài vụ lâu năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Làm nghề liên quan đến tiền bạc, đời sống nhưng không bao giờ hỏi thu nhập của chồng, ông đưa bao nhiêu, bà theo đấy mà lo liệu. Không bao giờ bà tra hỏi, chất vẫn ông đi đâu, làm gì mà tôn trọng tất cả những gì riêng tư nhất của ông. Ngoại trừ vào phòng làm việc để dọn dẹp, sắp xếp lại cho gọn gàng, bà không bao giờ động đến đồ riêng của ông.

Ông tiệc tùng bốn phương nhưng có lần tâm sự với báo giới ông vẫn tự hào rằng “về nhà ăn cơm là nhất”. Ngoài việc nấu ăn ngon, tài thu vén gia đình, bà còn là tri kỷ của ông. Cả hai có khá nhiều điểm hòa hợp, tương đồng như yêu mùa thu có món cốm tuyệt vời, thích hoa hồng các mùa, cúc tím… Có lẽ thế nên nói về bà, ông cũng có một cách nói rất khác, thoạt nghe như là trách nhưng lại là khen: “ Câu đầu lưỡi của bà xã tôi là lời quả quyết “Tết này mệt lắm rồi, làm đơn giản thôi!”. Nhưng Tết nào cũng vậy, vẫn lăng lưng ra làm, sao cho cái Tết này phải chu đáo hơn Tết trước. Miệng luôn kêu nhưng tay luôn làm”.

img
Dương Trung Quốc bên người vợ hiền.

“Tết bây giờ nhiều món đã được giải phóng nhờ dịch vụ, nhưng vẫn có những món đặc sản cũng thành nếp phải tự làm. Vì như năm nào, đêm 30 Tết, chờ Giao thừa, tôi cũng phải đảm nhiệm món “chè kho”. Mệt nhất là cầm cái đũa bự “đánh” bột đậu xanh cho nhuyễn. Bây giờ có con rể đỡ một tay nhưng vẫn không thể chỉ đứng nhìn, vẫn phải động tay như một thói quen không muốn bỏ”, ông cho hay.

Bỏ bữa cơm tất niên có đáng trách?

Là nhà viết sử nhưng ông cũng có cái nhìn khá thoáng với chuyện gia đình trẻ bỏ qua bữa cơm truyền thống chiều 30 Tết để được xả hơi, giải phóng mình trong dịp Tết.

“Sự thay đổi là khó tránh. Đừng khái quát cực đoan khi vội cho rằng hiện tượng này “phá vỡ gia đình truyền thống”. Nhưng cha mẹ nên quan tâm tạo điều kiện có dịp đoàn tụ gia đình trước hoặc sau 3 ngày Tết truyền thống tùy theo kế hoạch của con cái; đồng thời bằng các xử sự tinh tế của người có nhiều kinh nghiệm sống hơn từng bước tạo ra những điều khiển con cái, lớp trẻ thấy quý những phút giây đoàn tụ gia đình. Và nếu duy trì được bữa cơm đêm 30 Tết thì quá tốt”, ông bày tỏ.

Theo ông thì những năm gần đây xã hội có nhiều thay đổi, thời gian nghỉ ngày càng nhiều hơn, các điều kiện để tổ chức du lịch ngày càng rộng, thoáng hơn, nhưng không vì thế mà việc đoàn tụ mất đi sự hấp dẫn. Vấn đề là cách sắp xếp hợp hoàn cảnh và luôn tạo sự đồng thuận với lựa chọn của các thành viên gia đình để đưa ra một chương trình hợp lý nhất. Điều đó sẽ mang lại niềm vui chung gắn kết tình cảm gia đình trong suốt năm tới quan trọng hơn chỉ là mấy ngày Tết.

Nghe một nhà sử học tài ba như ông trải lòng về bữa cơm chiều 30 tết đã có thể hình dung ra cảnh đoàn viên cuối năm, cành đào mai rực rỡ trước hiên nhà và rộn rã tiếng cười Xuân trong mỗi tổ ấm.

Bữa cơm chiều 30 Tết – cái khởi đầu từ một sự kết thúc.

Gia đình và Xã hội (Theo Gia đình và Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem