Bức thiết việc làm an toàn cho lao động di cư

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 09/10/2019 15:59 PM (GMT+7)
Đa phần lao động di cư tự do là lao động từ các vùng nông thôn, vì khó khăn, thiếu việc làm nên phải ra thành phố kiếm việc làm. Thiếu thông tin khiến họ phải đối mặt với nguy cơ lừa đảo, tai nạn lao động trong quá trình làm việc.
Bình luận 0

Quá nhiều rào cản

Mới đây (ngày 28/8) trong phiên thảo luận về “Những tiếng nói trong thế giới việc làm”, nhân Lễ kỷ niệm ILO 100 năm và Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội, một lần nữa ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của quốc hội lại đề cập đến tính bức thiết trong việc cần phải hỗ trợ tạo việc làm cho lao động di cư (LĐDC) trong đó có lao động di cư tự do.

Ông Lợi cho rằng, sự dịch chuyển lao động là tín hiệu tốt trong thị trường lao động của Việt Nam, điều này cho thấy sự linh hoạt nhằm thích ứng với các điều kiện phát triển việc làm của lao động Việt Nam là rất tốt. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực ấy, việc di cư tự do đang khiến cho người lao động gặp nhiều rủi ro và cơ quan quản lý gặp khó khăn.

“Có tới 30% LĐDC chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ đăng ký tạm trú, tạm vắng, khó khăn tìm kiếm việc làm, không có bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)… số lao động di cư tự do càng ít hơn nữa” - ông Lợi nói.

img

 Cần những chính sách hỗ trợ tạo việc làm chính thức, bền vững, an toàn cho lao động di cư tự do. (ảnh: Minh Nguyệt)

Đề cập tới những rào cản khiến LĐDC tự do chưa tiếp cận được những việc làm bền vững, an toàn, ông Lợi cho rằng, có 3 yếu tố chính đó là: LĐDC chưa qua đào tạo nên thiếu kỹ năng tay nghề; LĐDC không muốn bị ràng buộc chỉ xem công việc đó là tạm thời nên không quan tâm tới vấn đề đăng ký thông tin việc làm ở nơi đi và nơi đến; vấn đề cuối cùng là thiếu thông tin về việc làm và không được tư vấn cụ thể về những rủi ro có thể gặp phải.

Theo thông tin từ Mạng lưới hành động vì LĐDC (M.net) năm 1989, Việt Nam có 1,3 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị; năm 2009, tăng lên 3,4 triệu người; năm 2019, có khoảng 5 triệu người di cư, tương đương khoảng 5% dân số cả nước. Những năm gần đây, vì nhiều lý do, lao động nữ chiếm tỷ lệ áp đảo trong số lượng LĐDC. Trong số này LĐDC tự do chiếm đến 1/3 trong tổng LĐDC.

Cũng theo báo cáo của M.net, có tới 90% LĐDC tự do không có BHYT và hơn 95% không tham gia BHXH. Chính bởi lý do đó, họ không được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không được bảo vệ cuộc sống khi về già.

Cần tăng cường trợ giúp 

Theo M.net, khảo sát cho thấy, tùy thuộc công việc, mức thu nhập trung bình của LĐDC tự do dao động từ 4 -10 triệu đồng/tháng. Một số trường hợp làm giúp việc gia đình theo giờ đã đạt mức thu nhập tới 30 triệu đồng/tháng như giúp việc theo giờ, chạy xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ là thiểu số và để đạt được mức thu nhập nêu trên, họ phải lao động 15-16 giờ liên tục mỗi ngày và không có ngày nghỉ trong tuần, tháng.

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) còn cho biết đa phần LĐDC tự do làm những công việc giản đơn như: Bán hàng rong, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp việc gia đình, thu gom đồng nát, phế liệu, rác thải... và số lượng ngày càng tăng do nhu cầu phát triển của đô thị. Bản thân bà cũng cho rằng dù có đóng góp lớn nhưng họ lại gặp nhiều cản trở trong việc  tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và dịch vụ công. Trước thực tế có tới 90% LĐDC khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến, những năm qua viện Light, mạng lưới M.net và BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể có liên quan đã ưu tiên tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, buổi sinh hoạt, giao lưu dành cho đối tượng LĐDC để đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật an sinh xã hội (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp...), lao động, tiền lương, khám, chữa bệnh BHYT...

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, các đô thị vẫn rất cần LĐDC, tuy nhiên cần phải có những giải pháp hỗ trợ đắc lực để họ được tạo việc làm bền vững, ổn định, an toàn. “Theo đó cần tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền dịch vụ công giới thiệu việc làm để lao động có thông tin và được tiếp cận làm việc trong những khu vực lao động chính thức, có hợp đồng. Đặc biệt, cần hỗ trợ họ tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh khi về già” – ông Lợi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem