Bức tranh binh sĩ Úc kề dao vào cổ em bé: Lộ diện họa sĩ TQ đứng sau

Đăng Nguyễn - abc.net.au Thứ năm, ngày 03/12/2020 10:25 AM (GMT+7)
Họa sĩ Trung Quốc tạo ra bức hình binh sĩ Úc kề dao vào cổ trẻ em Afghanistan, xác nhận bức hình là giả nhưng nhằm khơi dậy sự chú ý của công chúng với bê bối “binh sĩ Úc sát hại 39 thường dân" ở Afghanistan.
Bình luận 0

img

Bức hình gây tranh cãi được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải trên Twitter.

Bức tranh của họa sĩ Fu Yu mô tả hình ảnh một binh sĩ Úc cầm trên tay con dao dính máu, kề vào cổ một em bé Afghanistan. Bức tranh được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên mạng xã hội Twitter, thổi bùng tranh cãi gay gắt giữa hai nước, theo abc.net.au.

Sau khi, Thủ tướng Úc Scott Morrison lên án bức hình giả, yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi, họa sĩ Fu Yu đáp trả với thái độ “thách thức”.

"Tôi bị một người tên Morrison chỉ trích và yêu cầu xin lỗi. Tôi thấy thương cảm cho ông ta và hoàn toàn hiểu được cảm xúc của Morrison lúc này. Tuy nhiên, tôi khuyên ông nên đối mặt thực tế, dành sự quan tâm và nỗ lực cho công việc đối nội của mình", Fu nói, tự nhận mình là chủ một công ty Văn hóa và Sáng tạo ở Bắc Kinh.

Bức tranh mà Fu Yu tạo ra nhằm gợi nhớ đến tội ác chiến tranh của các binh sĩ Úc, khi sát hại 39 dân thường Afghanistan. Chính phủ Úc xác nhận sự việc này là có thật và vẫn đang điều tra.

Fu tự nhận mình là “họa sĩ chiến lang”, liên hệ với phong cách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc những năm gần đây.

img

Họa sĩ Trung Quốc Fu Yu.

Thông điệp mà Fu đăng tải trên mạng xã hội Weibo hồi đầu tuần đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem. Số người đăng ký theo dõi Fu tăng gấp đôi, lên một triệu chỉ sau 2 ngày.

FU hối thúc ông Morrison “yêu cầu binh sĩ quân đội có kỷ luật hơn và đừng gây ra thêm thảm kịch quốc tế”. Fu cũng mô tả hành động của mình là “nỗ lực bảo vệ nhân loại”.

Trả lời trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, Fu xác nhận bức tranh trên là do mình tạo ra bằng máy tính theo trí tưởng tượng về bê bối “binh sĩ Úc sát hại 39 thường dân" ở Afghanistan.

"Tôi tạo ra tấm hình này dựa trên nỗi tức giận và run sợ của bản thân. Tác phẩm nghệ thuật đơn giản được thực hiện vì sự nhân đạo", Fu nói, nhấn mạnh rằng điều này thực sự đã xảy ra ở đâu đó trên thế giới. "Tôi hy vọng nhiều người sẽ nhìn thấy bức hình này và chú ý đến thảm kịch thực sự".

Nghệ sĩ người Úc gốc Hoa, Badiucao nói mình không lạ gì với các tác phẩm gây tranh cãi của Fu. Badiucao nói Fu là “nghệ sĩ tuyên truyền”, dùng tác phẩm để công kích những ý kiến trái chiều về Trung Quốc. Tác phẩm của Fu thường được giới chức Trung Quốc hoan nghênh, Badiucao nói thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem