Lợi nhuận dưới 1.000 tỷ chủ yếu ở nhóm ngân hàng nhỏ
Trong đó, có những nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đột biến. Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) là nhà băng dẫn đầu tăng trưởng trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận thấp.
Cụ thể, kết thúc năm 2024, BVBank ghi nhận hơn 390 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 443% so với năm trước và đạt 112% kế hoạch đặt ra. Riêng quý IV, nhà băng này báo lãi đạt 209 tỷ đồng, tăng 20 lần so với cùng kỳ, tương ứng đóng góp trên 53% lợi nhuận cả năm.
Lý giải về lợi nhuận quý 4 tăng cao so với quý trước, BVBank cho biết, chủ yếu đến từ việc tăng mạnh hoạt động cho vay (đóng góp gần 40% mức tăng cả năm), tốc độ thu nợ đẩy nhanh với mức thu gần 3 lần bình quân các quý trước, cải thiện mạnh thu lãi và giảm chi phí dự phòng.
Đáng chú ý, năm 2024, thu nhập lãi thuần của BVBank tăng 56% đạt 2.306 tỷ đồng, cùng với lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 105% lên 46 tỷ đồng.
Những ngân hàng có lợi nhuận "không nổi" 1.000 tỷ đồng trong năm 2024. Biểu đồ: DV t/h.
Trong khi đó, nhà băng xếp thứ hai về tăng trưởng lợi nhuận là Ngân hàng An Bình (ABBank) với kết quả lãi 809 tỷ đồng trong năm 2024, tương ứng tăng 38% so với năm trước và đạt 81% kế hoạch năm.
ABBank cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2024, tổng tài sản đạt 176.628 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, đạt 104% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 155.900 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2023, đạt 108% kế hoạch năm. Tổng dư nợ đạt 154.426 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2023, đạt 110% kế hoạch năm.
Ngoài ra, dù tăng trưởng 20% về lợi nhuận trước thuế so với năm trước nhưng Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát Triển (PGBank) vẫn xuất hiện trong danh sách những ngân hàng có lợi nhuận dưới 1.000 tỷ đồng với kết quả lãi 421 tỷ đồng. Với kết quả này, PGBank đạt 76% kế hoạch năm đề ra.
Năm 2024, doanh thu từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 18 tỷ đồng, giảm 48%, trong khi kinh doanh ngoại hối gần như không đóng góp đáng kể. Ngoài ra, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng chịu lỗ gần 55 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 209 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Ở thái cực còn lại, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) là hai nhà băng "đi lùi" về lợi nhuận trong năm 2024.
Kết quả kinh doanh của Saigonbank trong 5 năm qua. Biểu đồ: DV t.h.
Đáng chú ý, Saigonbank báo lãi trước thuế 99 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2023 - mức giảm sâu nhất trong nhóm ngân hàng thống kê. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của ngân hàng này.
Theo đó, với mục tiêu "tham vọng" 368 tỷ đồng cho năm 2024, Saigonbank mới thực hiện được 27% kế hoạch năm.
Ngoài ra, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 tăng đến 44% so với đầu năm, lên tới 581 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,66% (tính đến 31/12/2024).
Đáng nói, nhóm nợ xấu có khả năng mất vốn (nhóm nợ 5) tăng gần gấp 2 lần từ 232,4 tỷ đồng lên hơn 400,7 tỷ đồng và chiếm 69% tổng nợ xấu. Nhóm nợ nghi ngờ cũng tăng từ 36 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 2,7 lần. Duy nhất chỉ có nhóm nợ dưới tiêu chuẩn giảm 51,7 tỷ đồng xuống còn 84,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Saigonbank đạt 33.260 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,4% lên 21.623 tỷ đồng, còn tiền gửi khách hàng đạt 24.413 tỷ đồng, tăng 3,6%. Vốn điều lệ đi ngang, ở mức 3.388 tỷ đồng - mức thấp nhất hệ thống.
Bức tranh đan xen mảng sáng tối
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%. Nếu tăng trưởng GDP kỳ vọng đạt 10%, tín dụng cần tăng đến 18-20%, đồng nghĩa với dòng vốn từ ngân hàng "bơm thêm" vào nền kinh tế có thể lên tới 3,1 triệu tỷ đồng.
Tại kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết bước sang 2025, với 74,6 % - 84,2% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025.
Trong năm 2025, có 85,1% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2024, 9,6% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không thay đổi.
Theo chuyên gia Tùng Đỗ và Trang Tô từ Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, dự báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) của các ngân hàng dự kiến tăng 16,6% trong năm 2025. Hai nhà phân tích cho rằng, động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận đến từ tín dụng tăng trưởng tốt nhờ tận dụng đà phục hồi của nền kinh tế và chi phí tín dụng toàn ngành dần giảm.
Tuy nhiên, NIM của đa số các ngân hàng vẫn chịu áp lực do chi phí vốn tăng nhẹ (30-50bps), trong khi cạnh tranh lãi suất vẫn sẽ hiện hữu. Mặt khác, rủi ro nợ xấu tiếp tục tăng sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực từ 1/1/2025 cần được lưu ý do khả năng tạo ra nợ xấu “không mong muốn” (do có sự khác biệt giữa các nhóm nợ của cùng một khách hàng tại các ngân hàng khác nhau) đi kèm đó là chi phí dự phòng bổ sung ngoài kế hoạch cần phải trích lập.
Có phần thận trọng hơn, ông Cao Việt Hùng, CFA, Giám đốc Phân tích ngành Tài chính của Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024.
Ông Hùng cho rằng, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành ngân hàng hiện đang tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó vào năm 2012-2013.
Do đó, năm 2025, tổng thu nhập hoạt động toàn ngành dự kiến tiếp tục tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ với động lực chính đến từ tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo tăng trưởng chậm hơn với 8,5% so với cùng kỳ do mảng banca dự báo tiếp tục khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.