Bùng nổ điện mặt trời, nguy cơ mất an toàn cận kề

03/01/2021 06:30 GMT+7
Trước tình trạng điện mặt trời (ĐMT) phát triển ồ ạt, EVN lo ngại nhiều nguy cơ mất an toàn và khó khăn trong việc kiểm soát, vận hành.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện tại, đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập do tình trạng ĐMT mái nhà phát triển một cách bùng nổ.

Số liệu của EVN cho thấy, đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện, với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp.

Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMT mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh. Hiện tại, tổng công suất lắp đặt về ĐMT trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó, có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà).

Bùng nổ điện mặt trời, nguy cơ mất an toàn cận kề - Ảnh 1.

Phát triển điện mặt trời hiện tại đã gấp 20 lần quy hoạch

Con số nói trên tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Trong khi đó, thực tế, theo quy hoạch điện VII, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 850 MW ĐMT. Như vậy, sự phát triển của ĐMT đang gấp gần 20 lần quy hoạch điện VII và con số rất lớn nếu tính cả quy hoạch điện gió…

Theo phân tích từ phía EVN, đặc thù của ĐMT phụ thuộc vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện. Điều này đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, hiện tượng thừa công suất thường xảy ra vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h-14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Đến giờ cao điểm tối về nhu cầu sử dụng (khoảng từ 17h30-18h30), hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW.

Điều này dẫn đến những ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí trên cơ sở đảm bảo đủ số tổ máy nối lưới tối thiểu theo điều kiện kỹ thuật của hệ thống (đảm bảo khả dụng, chế độ điện áp, giới hạn truyền tải..).

Thanh Phong
Cùng chuyên mục