Thời điểm năm 2015, việc MDB sáp nhập vào MaritimeBank không gây ngạc nhiên, bởi hai ngân hàng này có chung sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB, với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là trên 10%.
“Về một nhà” để mạnh hơn …
Sau sáp nhập, Maritime Bank trở thành ngân hàng có tổng tài sản lên tới 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Ngân hàng này nằm trong TOP 5 nhóm các NHTM cổ phần hàng đầu và thuộc TOP 10 toàn hệ thống các ngân hàng.
Mạng lưới giao dịch khoảng 300 điểm với số lượng khách hàng trên toàn quốc xấp xỉ 1,4 triệu khách hàng cá nhân và gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp cùng 600 định chế tài chính... là con số không nhỏ, tạo cơ hội cho Maritime Bank nâng sức cạnh tranh.
Trong cuộc “hôn nhân” này, MDB là ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng không thuộc dạng yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước. Sự sáp nhập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, bởi sau sáp nhập, Maritime Bank sẽ không phải chịu nhiều gánh nặng nợ xấu.
Ngoài ra, nếu nhìn ở góc độ phân khúc thị trường, MDB tuy quy mô nhỏ nhưng lại có thế mạnh trong các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ giúp Maritime Bank bổ sung tốt mạng lưới và đưa ngân hàng phát triển toàn diện trên mọi phân khúc khách hàng, tăng lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.
Hiện Maritime Bank đứng thứ 8 về vốn điều lệ trong các ngân hàng, vượt những ngân hàng đang niêm yết như ACB hay SHB, tuy nhiên quy mô tài sản lại đứng sau rất nhiều ngân hàng vốn điều lệ thấp chỉ vài nghìn tỷ đồng như LienVietPostBank, TPBank hay VIB.
Đáng lưu ý, điểm khác biệt lớn nhất trong hoạt động của MaritimeBank so với các ngân hàng cùng quy mô trên thị trường nằm chính ở mảng chứng khoán đầu tư có mức tăng ấn tượng.
Theo đó, số dư chứng khoán đầu tư của Maritime Bank chiếm bình quân 39% tổng tài sản từ năm 2013 đến quý I.2018. Thời điểm sau sáp nhập, năm 2015, con số này lên đến 47%. Cho vay khách hàng chiếm bình quân 28% tổng tài sản, thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 33% vào cuối 2017. Ngay trong 9 tháng đầu năm nay, cho vay của Maritime Bank chiếm khoảng 30% tổng tài sản sau khi tăng trưởng âm vào quý I.2018
Chính vì vậy, bức tranh lợi nhuận của ngân hàng này trong nhiều năm gần đây có phần kém sắc. Tình đến hết quý III.2018 chỉ đạt hơn 289 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các ngân hàng khác cũng hoặc nhỏ hơn về quy mô vốn có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của Maritime Bank chỉ ở mức 2,03% trên tổng dư nợ, giảm mạnh từ mức trên 5% trước đó là điểm sáng nổi bật sau hơn 3 năm sáp nhập MDB.
Chuyển mình trong năm 2019?
Để bắt đầu cho bước phát triển mới, MaritimeBank sẽ thay đổi nhận diện thương hiệu từ ngày 14.1 tới với sự đơn giản, dễ nhớ, dễ đọc hơn với tên gọi MSB thay cho Maritime Bank trước đó. Hình ảnh logo mới được thiết kế hiện đại và năng động, đơn giản và thân thiện, thể hiện cam kết luôn nỗ lực thay đổi để làm tốt hơn mỗi ngày, góp phần mang lại các giá trị sống ngày càng cao cho mỗi khách hàng.
Tuy nhiên, nhìn về bản chất, đây chỉ là một sự "thay áo" bình thường của một doanh nghiệp sau nhiều năm hoạt động, quan trọng là đằng sau sự đổi mới đó là một sự chuyển mình thật sự trong hoạt động kinh doanh. Nhìn lại những ngân hàng có cùng quy mô vốn hay tổng tài sản đã có sự bứt phá vượt bậc so với Maritime Bank. Do vậy, một bước đổi mới cần thiết, sự tái cơ cấu và đưa ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo động lực cho sự bứt phá. Nhiều khả năng, năm 2019 sẽ là thời điểm thích hợp để Maritime Bank của ông Trần Anh Tuấn lên sàn chứng khoán sau nhiều năm lỗi hẹn.
Một sự liên tưởng có vẻ liên quan, đó là CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings (TNS Holdings), một trong số thành viên thuộc Tập đoàn TNG, đối tác liên kết của MaritimeBank, sẽ được niêm yết trên sàn HoSE. Đây cũng là thành viên đầu tiên của TNG niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tập đoàn Đầu tư TNG - TNG Holdings Việt Nam (tiền thân là VID GROUP) được biết đến là một trong số những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp.
Báo cáo tài chính TNS Holdings
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018, TNS Holdings, công ty thành viên thuộc tập đoàn TNG hiện có 42,5 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam. Hiện, TNS Holdings đang nắm giữ 5 triệu cổ phiếu MaritimeBank. Đồng thời, Maritime Bank có một khoản nợ phải trả cho TNS Holdings tính đến hết quý III năm nay là 14 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, khoản phải trả người bán ngắn hạn của doanh nghiệp này là 66,5 tỷ, tăng hơn 26 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ công ty TNHH Quảng lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam là 48,6 tỷ đồng.
Rõ ràng sự thay đổi về quan điểm của hai doanh nghiệp liên kết này đối với thị trường chứng khoán là một sự thay đổi quan trọng, bởi đây sẽ là kênh huy động vốn giúp cho ngân hàng và TNR bứt phá. Vấn đề còn lại sau bước thay áo cho MaritimeBank và thử nghiệm niêm yết TNS Holdings, vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn có sớm đưa MaritimeBank niêm yết trên sàn chứng khoán để hoạt động minh bạch hơn nhằm tạo động lực bứt phá trong thời gian tới? Bởi đây là con đường duy nhất để MaritimeBank tăng tốc, nếu không, với sự siết lại bằng những chính sách mới của NHNN trong thời gian tới, những ngân hàng mạnh sẽ mạnh lên, những ngân hàng yếu sẽ yếu đi và buộc phải sáp nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.