C Gái làm nên huyền thoại

Thứ năm, ngày 30/04/2015 09:29 AM (GMT+7)
Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Ngư Thủy, cái xã bé nhỏ nơi góc biển Nam Quảng Bình đã có một chiến tích lớn làm nức lòng người: Đó là huyền thoại Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy Anh hùng 5 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Bình luận 0
Những ngày ấy, C Gái Ngư Thủy đã được nhiều vị lãnh tụ nổi tiếng về thăm như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, đồng chí Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng,... Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hai lần về nghiên cứu chiến lược bảo vệ bờ biển và thăm C Gái ngay ở trận địa, cùng ăn bữa cơm đạm bạc với các nữ pháo thủ. Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đám phán của ta tại Hội đàm Paris cũng đã về thăm C Gái, để lại mấy câu thơ: "Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy / Trời biển mênh mông đất Quảng Bình/ Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng / Anh hùng toàn những gái xuân xanh..."
img
Tượng đài C gái ở Ngư Thủy Trung.
40 năm chiến tranh qua rồi nhưng vẫn có nhiều đoàn khách từ khắp cả nước vượt đường sá xa xôi về thăm các chị, tặng quà, chụp ảnh dưới chân tượng đài. Năm 1969,  bộ phim "Những cô gái Ngư Thủy" do đạo diễn Lò Minh thực hiện đã tái hiện chân thực bức chân dung anh hùng của 37 cô gái Ngư Thủy Anh hùng. 30 năm sau (1999), hai đạo diễn Lê Mạnh Thích-Đỗ Khánh Toàn đã trở lại mảnh đất này, làm bộ phim tiếp theo "Trở lại Ngư Thủy". Cả hai bộ phim từng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Ngư Thủy quê tôi ngày ấy (hiện nay là 3 xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc) giáp H. Vĩnh Linh, được gọi là nơi "đầu cầu giới tuyến". Dường như đêm nào cũng có tàu địch mò vào, cùng biệt kích người nhái. Kẻng báo động thường xuyên. Thanh niên trai tráng trong làng mới mười chín  đôi mươi lần lượt xung phong vào vào Nam chiến đấu. Để bảo vệ bờ biển quê hương, ngày 21-11-1967, C Gái Ngư Thủy thành lập với những cô gái trẻ măng tơ, cũng  áo mũ, sao gạch,  cơm vắt nằm hầm, đương đầu với bom pháo ngút trời.

Ban đầu Đại đội chỉ có 37 người với 4 khẩu pháo 85 ly nòng dài, có thể bắn mục tiêu xa 30 cây số, do Thiếu tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình trực tiếp chỉ huy. Con gái nhà quê, mới học hết lớp 6, lớp 7 mà điều khiển loại pháo mặt đất hiện đại như vậy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới chưa từng có. Cho nên gọi là huyền thoại cũng không ngoa chút nào... Hồi đó cả H. Lệ Thủy phát động phong trào "Tranh  tre mây lạt mau gửi về Ngư Thủy" để bà con làm lại nhà. Có thể nói, những trận đánh tàu chiến Mỹ của C Gái, không chỉ là C Gái đánh mà cả xã tôi đánh. Cả xã tôi vì C Gái, bảo vệ C Gái và chiến đấu bên C Gái...

img
Các chị ở C gái Ngư Thủy trong một lần gặp mặt kỉ niệm.

 

Tôi có kỷ niệm rất sâu đậm với C Gái. Ngày 7-2-1968, xuất quân trận lần đầu, C Gái đã bắn cháy  tàu chiến Mỹ chỉ bằng 12 phát đạn, nghĩa là mỗi khẩu 3 phát. Mạ tôi kể, đạn pháo C Gái bắn nổ to như bom. Nguyễn Thị Xử, pháo thủ số 3 (nạp đạn) kể: "Viên đạn nặng như rứa mà em cứ thấy nhẹ như không, chỉ tiếng pháo nổ làm ù đặc cả tai".

Lúc đó tôi đang học lớp 9 trên huyện, nghe tin liền bươn chạy 20 cây số về nhà để viết bài  tường thuật trận đánh gửi cho Báo Trường Sơn (nay là Báo Quân khu Bốn ). Bài báo "Pháo binh nữ Ngư Thủy trận đầu bắn cháy tàu chiến Mỹ" in kín 2 trang báo được gửi về xã Ngư Thủy làm mọi người  nức lòng. Một tháng sau, báo gửi cho tôi nhuận bút qua đường bưu điện. Cầm cái măng-đa mời lĩnh tiền, tôi  sướng rơn. Tôi đi bộ 20 cây số lên bưu điện huyện lĩnh 20 đồng tiền Cụ Hồ, về khoe với mạ. 20 đồng thời đó mạ tôi đi chợ mua vải may cho tôi được bộ quần áo đẹp để đi học. Nhờ bài thường thuật kịp thời đó, cùng với thành tích cộng tác trong nhiều năm, năm đó tôi được Báo Trường Sơn chọn là cộng tác viên xuất sắc, có giấy mời ra Vinh họp cộng tác viên. Sau này tôi có viết bài báo dài trên báo An Ninh thế giới "Hãy trả lại tên cho em". Nhờ bài báo đó mà tỉnh Quảng Bình đã đặt lại tên cho ba xã, xã nào cũng có chữ Ngư Thủy gắn với cái tên C Gái anh hùng!

Đầu năm 1975, tôi đang chiến đấu ở Đồng Xoài- Phước Long, chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, thì một buổi tối bất ngờ được xem phim "Những cô gái Ngư Thủy". Đêm ấy tôi đã khóc vì gặp lại chị em, bà con mình là pháo thủ trên phim, khóc vì nhớ quê, nhớ mạ. Sau đó tôi đã thức làm bài thơ: "Đêm rừng xem phim những cô gái Ngư Thủy": Từ luồng sáng ấy/Các em bước ra/Đêm thăm thẳm rừng giá/Bờ cát sóng xao tiếng cười trắng xóa/Trận địa Cồn Dinh dương xơ xác lá/Pháo vươn nòng đo tầm biển mênh mông.../Trong trẻo tiếng con gái dịu hiền/Phút hóa thành chớp lửa/Cuộn lên từ bờ cát quê hương/Tàu giặc tả tơi/Tâm bão xoáy tròn.

40 năm qua, C Gái vẫn là một gia đình thân thiết. các chị cùng sinh hoạt, giúp nhau trong cuộc sống. Ngày 7-6-2014, 34 trong số 81 thành viên nữ C Gái đã đến thăm lãnh đạo H. Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Các nữ pháo thủ đã được xem lại những thước phim tư liệu giới thiệu về quá trình sở hữu của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo không thể tách rời của Việt Nam này. Những hoạt động ý nghĩa ấy càng gắn chặt các chị với đất nước, quê hương... Những khẩu pháo của C Gái hiện được trưng bày ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam (1985), C Gái được ra Hà Nội tham gia lễ duyệt binh...

Mỗi lần về quê Tết nhất, giỗ chạp, đứng trước Tượng đài C Gái, lòng tôi lại cứ miên man nhớ. Ký ức con người là hợp tuyển lịch sử sống động nhất mà những trang sử khô khan không thể ghi được. Tượng đài này là cái còn lại của tuổi trẻ các chị, bất tử với biển trời quê hương. "Nòng pháo xưa vẫn vươn ra biển /Như một lời cam kết với mai sau..." - (thơ Ngô Minh).
(Theo Ngô Minh/Báo Công an TP Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem