Cá có xyanua chắc chắn cực độc

Diệu Linh Thứ năm, ngày 25/08/2016 15:23 PM (GMT+7)
Trả lời PV Dân việt về ý kiến cho rằng xyanua chưa có quy định trong thực phẩm nên không xem xét có hại với sức khỏe hay không, ngày 25.8, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh ((Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, xyanua là chất cực độc, ăn vào là nguy hiểm.
Bình luận 0

Theo PGS Thịnh, xyanua là chất cực độc, có tác động rất mạnh vào hệ hô hấp và hệ thần kinh gây nhiễm độc cấp tính. Chất xyanua thường được sử dụng trong đào vàng, khai quặng. Trong thực phẩm, xyanua tự nhiên có nhiều trong củ sắn (tàu), măng và có ít trong dứa. Trên thực tế đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất xyanua có trong sắn. “Đã ăn phải là chết thì không thể nói chất này chưa có quy định trong thực phẩm, chưa có ngưỡng thì không dám khẳng định chất này có độc hay không độc với cơ thể người. Nếu quốc tế không có thì Việt Nam có thể tự xây dựng, tự quy định. Chứ không thể nói chưa có quy định thì không độc được” – PGS Thịnh bức xúc.

img

Cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4.2016 (ảnh: Gia đình & XH)

“Đương nhiên là chất độc ở biển sẽ tan dần theo nước giống như mọi vết nhơ đều có thể trôi đi theo thời gian. Nhưng người dân cần 1 câu trả lời rõ ràng ngay bây giờ chứ không nên phỏng đoán, nói nước đôi hoặc đánh đố người dân” – PGS Thịnh nói.

Trước đó, một văn bản của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia gửi Bộ Y tế cho thấy, trong các mẫu cá lấy từ vùng biển Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phát hiện 5 mẫu cá có xyanua, 3 mẫu có phát hiện phenol. Cụ thể 5 mẫu nhiễm xyanua gồm: Cá mỏ neo hàm lượng độc tố 3,9 mg trong một kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt lượng xyanua 0,8 mg/kg; cá nhồng 0,6 mg/kg; cá man 0,5 mg/kg. 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối 14 mg/kg, cá man 8,3 mg/kg, ghẹ 3 mắt 10 mg/kg.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An tòan thực phẩm (Bộ Y tế), phenol và xyanua chưa được quy định trong thực phẩm. Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng. Còn những chỉ tiêu khác như phenol, xyanua chỉ là phối hợp với bên môi trường để thực hiện nhằm làm quan trắc về môi trường biển.

Ông Phong cho biết, hiện quốc tế cũng chưa có quy định ngưỡng của hai chất này trong hải sản. Do vậy, Bộ Y tế không có khẳng định gì về chất phenol và xyanua được tìm thấy trong cá. Tuy nhiên, ông Phong cũng khẳng định, khi sự cố môi trường chưa được xử lý triệt để thì người dân tạm thời không nên sử dụng hải sản ở các vùng biển này.

“Cá đâu có dán mác “gần bờ” hay "xa bờ" nên khuyến cáo người dân chỉ dùng hải sản đánh bắt xa bờ là đánh đố người dân. Người dân chỉ cần một câu trả lời dứt khoát: Biển đã sạch chưa, cá hết độc chưa, ăn được chưa… là đủ” – PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem