Cà Mau: Cần hơn 1.000 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 11/03/2021 15:47 PM (GMT+7)
Người dân ở các tiểu vùng có hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ kiến nghị với chính quyền Cà Mau sớm có phương án đầu tư hoàn chỉnh, khép kín nhằm phục vụ sản xuất và đời sống của bà con.
Bình luận 0

Ông Lâm Minh Thời - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trước bức xúc của người dân, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chủ trương đầu tư Dự án hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tiểu vùng 7 – Nam Cà Mau (xin đầu tư khép kín); đầu tư xây dựng mới hệ thống thủy lợi Tiểu vùng 12 – Nam Cà Mau, và  xin chủ trương đầu tư xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Tiểu vùng 14 – Nam Cà Mau.

"Tỉnh Cà Mau đề xuất chủ trương đầu tư trung hạn (giai đoạn 2021 – 2025), với nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở 3 tiểu vùng nói trên", ông Thời nói.

Cà Mau: Cần hơn 1.000 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống thủy lợi - Ảnh 1.

Nhiều hệ thống thủy lợi ở một số tiểu vùng tại Cà Mau chưa được đầu tư hoàn thiện gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của hàng nghìn hộ dân. Ảnh: Hoàng Hạnh

Theo ngành nông nghiệp địa phương, việc đầu tư Dự án hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở Tiểu vùng 7, 12 và 14 – Nam Cà Mau là hết sức cần thiết, nhằm mục tiêu khai thác tổng hợp và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ hệ sinh thái môi trường; phát triển mạnh các loại hình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khi các hệ thống thủy lợi ở 3 tiểu vùng nói trên hoàn thiện sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra còn kiểm soát được mặn, giữ ngọt và tiêu úng, xổ phèn phục vụ cho việc sản xuất của trên dưới 30 nghìn héc ta đất tự nhiên. Đồng thời cung cấp và tiêu thoát nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản; cải thiện hệ thống giao thông thủy, kết hợp xây dựng nền đường bộ ở nông thôn, tạo địa bàn bố trí lại dân cư...

Nhiệm vụ quan trọng nhất của các dự án là thực hiện chủ trương lớn của Đảng về chương trình xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài là phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Lâm Minh Thời - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều Tiểu vùng thủy lợi trên địa bàn như Tiểu vùng 3 – Bắc Cà Mau, Tiểu vùng 2,3,5,7,17,18 – Nam Cà Mau, với tổng nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng (tính từ năm 2008 đến nay), bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Cụ thể, ở Tiểu vùng 3 – Bắc Cà Mau đã phục vụ ngọt hóa, đảm bảo nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng, phục vụ sản xuất mô hình trồng lúa và nuôi cá nước ngọt…

Ngoài các tiểu vùng đang phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ trực tiếp đời sống của người dân, thì ở những tiểu vùng chưa được đầu tư đồng bộ, hay chưa đầu tư đang gây tác động rất lớn đối với việc sản xuất của hàng nghìn hộ dân.

Ngành nông nghiệp Cà Mau cho rằng, địa phương là vùng đất thấp, có chiều dài bờ biển hàng trăm km. Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng mạnh, nên rất cần được Trung ương, các Bộ, ngành quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi đồng bộ, khép kín, nhằm phục vụ cho đời sống, sản xuất của người dân một cách ổn định về lâu dài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem