Cá sông La Ngà chết hàng trăm tấn: Chết lặng nhìn tiền tỷ trôi sông

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 23/05/2019 21:10 PM (GMT+7)
Tháng 5/2018, hơn 1.990 tấn cá nổi trắng trên sông La Ngà (tỉnh Đồng Nai). Tháng 5/2019 cũng tại khúc sông này, cá lại chết nổi trắng trên sông. Người nuôi cá tự hỏi, điệp khúc này sẽ lặp lại đến bao giờ?
Bình luận 0

Khóc nhìn tài sản nổi trắng trên sông

Sau một đêm thức dậy, sáng 16/5, hàng trăm hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) thêm một lần đứng chết lặng khi hàng trăm tấn cá nổi đầu, ngửa bụng, chết sạch. Ông Ngô Văn Thái (xã La Ngà) kể lại, cá chết xảy ra quá nhanh với số lượng lớn, nên người dân không cách nào xoay trở kịp.

img

Cá chết trắng trên sông La Ngà khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nhật Linh

Tất cả nhân lực, máy móc được huy động để cứu cá làm náo loạn cả khúc sông. Đã có rất nhiều xe chở cá của thương lái đem đi tiêu thụ. Nhiều hộ nuôi khẩn trương vớt cá, đem bán đổ bán tháo, với hy vọng vớt vát chút vốn liếng. “Nhưng cá chết quá nhiều. Lúc còn sống, cá bán được 100.000 đồng/kg, giờ chết rồi chỉ bán chừng 20.000 đồng/kg, thậm chí rẻ hơn” - ông Thái kể.

Theo anh Huỳnh Thanh Hồng (xã La Ngà), từ năm 2016 đã xảy ra hiện tượng cá chết trên khúc sông này. Năm đó, chính anh là 1 trong khoảng 20 hộ bị thiệt hại nặng. Đáng nói, tình trạng cá chết xuất hiện vài năm nay ở sông La Ngà chỉ xảy ra từ khúc suối Tam Bung xuống hạ nguồn sông. Còn các hộ nuôi cá từ suối Tam Bung trở lên thượng nguồn thì không bị ảnh hưởng.

Theo người dân địa phương, trước đây suối Tam Bung vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương; chảy qua địa phận của 3 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Định Quán, sau đó mới đổ vào sông La Ngà. Về sau, hoạt động xả thải từ một số cơ sở sản xuất khiến nguồn nước ô nhiễm nặng.

Đây là lần thứ hai liên tiếp trong hai năm nông dân gặp cảnh tượng khủng khiếp này.

Chờ câu trả lời

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, sự cố năm 2018 đã loại trừ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh. Kết quả rà soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn thải lớn; các cơ sở chăn nuôi lợn... không gây ảnh hưởng tới nguồn nước. Còn tại lưu vực suối Tam Bung, các hộ chăn nuôi lợn được thống kê đa phần là có biogas, còn nhiều hộ nuôi ở các nơi khác chưa được thống kê.

img

Đơn tố cáo doanh nghiệp xả thải làm cá chết của người dân. Nhật Linh

Sau vụ việc cá chết lần 2, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân đã ký công văn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm xác định nguyên nhân cá chết, nhất là hiện tượng lặp lại hàng năm; tổ chức lấy mẫu nước mặt sông La Ngà để đánh giá mức độ ô nhiễm.

Thời điểm xảy ra cá chết năm 2018, lượng mưa lớn đầu mùa đã cuốn trôi tất cả mọi vật chất hữu cơ đổ về khu vực nuôi cá, môi trường nước bị biến động đột ngột. Cùng với mực nước hồ xuống thấp, mật độ bè nuôi neo đậu dày, khoảng cách giữa các bè khá sát nhau, người dân sinh hoạt trên bè... gây nên cá chết hàng loạt.

Sau đó, hơn 12 tỷ đồng đã được tỉnh Đồng  Nai hỗ trợ cho người dân theo diện bị thiệt hại do thiên tai, nhưng con số này chỉ là phần nhỏ so với thiệt hại.

Tuy nhiên, nhiều người dân chưa thỏa mãn với cách giải thích này vì họ cho rằng, nguồn nước ở khu vực chăn nuôi bị các cơ sở sản xuất làm ô nhiễm.

Ngay trước thời điểm xảy ra vụ cá chết mới đây, người dân địa phương đã quyết liệt phản đối một doanh nghiệp nằm sát lòng hồ Trị An, chuyên sản xuất men vi sinh nhiều năm liền gây mùi hôi. Sau trận mưa lớn khiến cá chết bất thường, người dân tại đây dấy lên nghi vấn có hay không đường ống xả thải chôn trong lòng đất.

Theo bà Lê Thị Tình (xã La Ngà), doanh nghiệp này có 2 nhà máy cách nhau khoảng 1km; một nơi dùng để sản xuất, một nơi để xử lý men hóa chất trước khi thải ra lòng hồ. Rất cần cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra doanh nghiệp có sử dụng đường ống nói trên để xả thải hay không?

Hiện tại, UBND huyện Định Quán cho biết, nguyên nhân ban đầu do mực nước sông xuống thấp. Khi xảy ra mưa lớn, nước từ đất liền chảy xuống nhiều. Số lượng bè nuôi lại dày đặc nên lượng oxy trong nước tụt giảm dẫn đến cá chết.

Còn Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai khẳng định, khu vực ven sông La Ngà có một số cơ sở sản xuất được phép xả thải ra sông nhưng được kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu về Sở TNMT giám sát.

Ông Ngô Tấn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê số lượng cá chết của các hộ dân; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành rà soát, khảo sát tại tất cả các vị trí có nguồn thải đổ ra lòng hồ Trị An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem