Cá và thép, Việt Nam chọn môi trường, không chọn Formosa

Nguyễn Văn Thọ Thứ ba, ngày 26/04/2016 13:30 PM (GMT+7)
Tuyên bố của ông Giám đốc đối ngoại Formosa vừa qua đi ngược lại văn hóa của một trái đất văn minh và xúc phạm nghiêm trọng lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày 25.4 , truyền thông Việt Nam đã đưa rộng rãi ý kiến của Giám đốc đối ngoại Formosa về khu công nghiệp Vũng Áng của Formosa, nhân hiện tượng cá chết hành loạt tại bờ biển dài hàng trăm km khu vực miền Trung . Tinh thần của tuyên bố này, là tinh thần báo chí ta đã lột tả trúng khi Formosa buộc chính phủ và nhân dân ta phải chọn lựa giữa nhà máy thép hiện đại với sự an toàn môi trường biển.

Tinh thần  này đi ngược lại những nỗ lực của tất cả các quốc gia tiên tiến, đi ngược lại chủ trương của các tổ chức văn hóa và kinh tế tiến bộ trên thế giới cân bằng giữa phát triển và việc bảo vệ môi trường, thiên  nhiên, gìn giữ một trái đất xanh. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi thế giới ngày các phát triển, văn hóa ngày càng cao, thì việc giữ gìn môi trường khi nhiều quốc gia đẩy mạnh xây dựng kinh tế với nhịp độ cao, là một việc cần thiết, tối quan trọng,  là thước đo của mọi tinh thần văn minh; nó đã được cụ thể hóa bằng nhiều thỏa thuận, luật lệ có tính quốc tế chứ không  riêng một quốc gia hay một châu lục riêng rẽ nào.

Tinh thần tuyên bố của Formosa như buộc nhân dân và nhà nước ta chấp nhận sự tổn hại của môi trường khi xây dựng một nhà máy cán thép hiện đại,  là đi ngược lại trào lưu bức thiết hiện nay của một thế giới văn minh và tiến bộ.

Tôi may mắn ở Đức gần 30 năm, thấy rõ việc phát triển kinh tế của họ đều quan tâm đầu tiên đến môi trường. Ví dụ mà tôi tận mắt chứng kiến là việc cấp thiết xây dựng mở rộng cảnh hàng không Schoenefeld thay thế cho giải tỏa sân bay cũ phía Tây Berlin Tegel. Trước sức ép về vấn đề môi trường, bảo đảm tiếng ồn, nhà nước Đức đã trì hoãn nhiều năm trời và tìm ra được phương án bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân và các tổ chức bảo vệ môi trường tại châu Âu.

Cũng tại đây, nhiều các dòng sông đào và tự nhiên đều được quản lý rất chặt chẽ và thường xuyên hàng tháng có kiểm tra môi trường nước. Khi có dấu hiệu ô nhiễm, người ta đặt biển cấm tiêu thụ và câu cá trên các khúc sông này.

 Ngay ở Việt Nam vừa qua, việc phát triển hai trung tâm phát điện Sơn La và Lai Châu vấn đề môi trường cũng là một dự án rất tích cực cho việc bảo về môi trường, cả môi trường văn hóa lẫn sinh thái. Chúng ta đã chọn phương án Sơn La thấp thay thế Sơn La Cao để tránh đi nhiều thiệt hại về văn hóa bản địa. Ở cả hai khu trung tâm thủy điện này Ban quản lí dự án đã trồng lại rất nhiều khu rừng quanh khu thủy điện, tính toán cặn kẽ tốn khá nhiều tiền bạc cho vấn đề di dân và bảo đảm sinh thái bền vững và lâu dài cho cả khu Tây Bắc. Ví dụ như thế để thấy rõ, việc phát triển kinh tế kể cả các nước tiên tiến và nước ta đều đặt vấn đề an toàn và cân bằng sinh thái, giảm thiểu đi mức độ thiệt hại của nó lên hàng đầu.

Đánh đổi một nhà máy thép cho việc hủy diệt môi trường, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu con người không phải là giải pháp nhân đạo và đúng đắn mang lợi ích lâu dài của một đất nước cần phát triển kinh tế hiện đại nhưng ổn định.

Khi đại diện Formosa tuyên bố như vậy, tức là xúc phạm tới quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đất nước chúng ta là đất nước chậm phát triển, bởi trải qua nhiều năm dài chiến tranh loạn lạc, Việt Nam ngày nay cần phát triển kinh tế cho kịp với nhiều nước trên thế giới, làm dân giầu nước mạnh, nên việc đầu tư cho kinh tế, kêu gọi mọi sự hợp tác tích cực và hiệu quả với quốc tế, kể cả với nhà nước Trung Quốc và Đài Loan là điều cần thiết, tất yếu.

Nhưng Việt Nam không phải là 1 dân tộc ấu trĩ mà chấp nhận 1 sự phát triển không tính toán, bằng bất cứ giá nào, để khi có 1 nhà máy thép trị giá có tổng vốn đầu tư dự kiến 28 tỷ USD (giai đoạn 1 có mức đầu tư 10 tỷ USD), nhưng lại hủy hoại môi trường sống, hủy hoại thiên nhiên và chính nòi giống dân tộc, thiên nhiên của đất nước chúng ta.

img

Một con cá vẩu nặng chừng 35kg được ngư dân phát hiện chết ở bờ biển Thừa Thiên - Huế .

Vấn đề ở đây không chỉ là vài trăm tấn cá chết, không chỉ là đời sống ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung mà vấn đề lâu dài về nguồn sống, về môi sinh và trăm ngàn hệ lụy khác thuộc về hệ sinh thái biển không chỉ thuộc về một khu vực miền Trung.Việc Formosa tuyên bố như vậy càng chứng tỏ gián tiếp rằng, hiện tượng cá chết, môi trường biển kéo dài hàng trăm cây số ở miền Trung là ít nhiều có bàn tay thiếu thiện tâm của Formosa, khi xây dựng khu công nghiệp lớn này, vì lợi nhuận đã không quan tâm triệt để tới môi trường tự nhiên của Việt Nam.

Việt Nam, một đất nước còn nghèo nàn, chúng ta khao khát đi lên, phát triển kinh tế hiện đại, nhưng không thiếu lòng tự trọng và sự hiểu biết để phát triển kinh tế một cách ổn định bền vững, chứ không bất cứ giá nào như Formosa đã tuyên bố phải chọn lựa một bờ biển bị ô nhiễm, ít cá đi, cá chết lấy một  nhà máy thép hiện đại, đó chỉ có thể là giải pháp tức thời.

Vì những lẽ trên tôi đề nghị Chính phủ cho chỉ đạo thanh tra toàn bộ Formosa với những biện pháp triệt để nhất. Nếu Formosa chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại miền Trung thì phải xử lí nghiêm theo luật pháp quốc tế và VN. Khẳng định rằng, sự không tôn trọng môi trường thiên nhiên là MỘT TỘI ÁC CẦN NGHIÊM TRỊ.

Tôi không phải là kẻ chống Tầu cực đoan, đất nước này mở rộng bàn tay với tất cả các nước thân thiện, nhưng tất cả các nước dẫu có giầu có tới bao nhiêu khi vào Việt Nam thì cần biết sự tôn trọng và giữ nghiêm những luật lệ kỉ cương.

Sự việc này, Chính phủ và nhà nước nên khẩn trương làm sáng tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem