Cả xã hội chung tay, tai nạn giao thông giảm

Thế Anh Thứ hai, ngày 12/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau 9 tháng Nghị định 100 có hiệu lực (từ 1/1/2020), diễn biến về tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương.
Bình luận 0

Có được kết quả trên một phần là nhờ vào nhận thức của người tham gia giao thông và toàn thể xã hội.

Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban ATGT quốc gia, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, trong 9 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người.

Đối chiếu với tình hình TNGT trong 9 tháng năm 2019 cho thấy, TNGT năm nay đã giảm sâu trên cả 3 triêu chí. Trong đó, số vụ TNGT năm nay giảm 2.321 vụ, số người chết giảm 783 người, số người bị thương giảm 2.010 người.

Cả xã hội chung tay, tai nạn giao thông giảm  - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với lái xe. Ảnh: P.V

"Với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo".

Ông Khuất Việt Hùng -

Phó Chủ tịch chuyên trách

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Về tình hình TNGT cụ thể trong từng lĩnh vực giao thông, trong 9 tháng năm 2020, đường bộ xảy ra 5.849 vụ, làm chết 4.770 người, bị thương 3.106 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 695 vụ, giảm 756 người chết, giảm 479 người bị thương.

Tương tự, trong 9 tháng năm 2020, đường sắt xảy ra 71 vụ, làm chết 57 người, bị thương 16 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 50 vụ, giảm 44 người chết, giảm 25 người bị thương.

Cùng thời điểm trên, lĩnh vực đường thủy xảy ra 50 vụ tai nạn, làm chết 40 người, làm bị thương 5 người; so với cùng kỳ năm trước đã tăng 7 vụ, tăng 21 người chết, giảm 2 người bị thương.

Riêng hàng hải xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ không thay đổi, giảm 4 người chết và mất tích, số người bị thương không thay đổi.

Đáng chú ý, tính riêng tháng 9/2020 (từ 15/8 đến 14/9), cả nước xảy ra 1.184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 534 người và làm bị thương 882 người. So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 160 vụ, giảm 29 người chết, giảm 150 người bị thương.

Từ những con số nêu trên, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính giúp tình tình TNGT giảm được cả 3 tiêu chí thì Nghị định 100 đã góp công rất lớn. Tuy nhiên, cũng phải kể đến những người thi hành thực thi pháp luật là lực lượng CSGT đã tích cực tăng cường các biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Cả xã hội chung tay, tai nạn giao thông giảm  - Ảnh 3.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Lạng Sơn tham gia tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đ.T.N

Cùng với đó là ý thức của người tham gia giao thông cũng đã được nâng cao rõ rệt. Nếu trước kia, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chưa ra đời và có hiệu lực thì việc tài xế uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát được hết, nhiều cuộc vui, nhậu kéo dài có có những lời lẽ "kích bác" nhau để uống thêm vài chén rượu, cốc bia. Chinh từ việc, ép nhau uống thêm những chén rượu, cốc bia đã gây ra những vụ TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, thành quả trên còn có sự chung tay của việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT), kiên quyết xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, nên vi phạm nồng độ cồn đã giảm mạnh, mức xử phạt đã đủ sức răn đe.

Các chuyên gia về luật cho rằng, khi Nghị định 100/CP chưa ra đời, chúng ta, đặc biệt là lực lượng CSGT thực thi pháp luật có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các vi phạm về thời gian lái xe, vi phạm trên đường cao tốc (đi lùi, đi ngược chiều), tình trạng lái xe sử dụng ma túy, sử dụng rượu, bia, sử dụng điện thoại và nhắn tin, không thắt dây bảo hiểm... đã gây nên những vụ TNGT nghiêm trọng với thiệt hại lớn.

Đánh giá về hiệu quả của Nghị định 100, trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Có thể nói, đây là một văn bản pháp luật có ý nghĩa thiết thực và được người dân đặc biệt quan tâm. Hầu hết những người tham gia giao thông đều cảm thấy an toàn, an tâm hơn khi ra đường".

Hiệu quả từ thành thị tới nông thôn

Cũng từng đánh giá về hiệu quả của Nghị định 100, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: "Nếu uống bia, rượu thì phải nhờ sự hỗ trợ, bảo đảm không vi phạm luật. Vì một xã hội văn minh và an toàn, rất cần sự thay đổi từ gốc, tức là thay đổi từ nhận thức của mỗi người, để loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng rượu, bia".

Theo ông Liên, hiệu quả của Nghị định 100 là có sự thay đổi về thói quen dùng bia, rượu của người dân, tiến tới một xã hội an toàn, văn minh và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, không thể trì hoãn và quan trọng nhất là được sự ủng hộ của toàn thể xã hội.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu bia, không lái xe", nhất là ngay từ ngày đầu tiên của năm.

"Với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo" ông Hùng đánh giá và cho rằng, đây chính là động lực quan trọng kéo giảm TNGT và thực sự đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống.

Ngoài những thành quả trên, ông Hùng còn cho biết, ngành GTVT phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải. Cùng với đó là tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch. Do đó, tình hình TTATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

"TNGT trong 9 tháng năm 2020 đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ. Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm lễ, tết" - ông Khuất Việt Hùng đánh giá. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem