Các làng mai tấp nập bán mua

Thứ bảy, ngày 04/01/2014 13:55 PM (GMT+7)
Cách Tết Giáp Ngọ gần 1 tháng, thủ phủ mai vàng thị xã Nhơn An (Bình Định) nườm nượp xe tải “ăn” mai. Mai xuân đất này vốn nổi tiếng lâu đời bởi dáng thế cầu kỳ, nụ to, hoa vàng sâu lắng.
Bình luận 0
Ông Phan Văn An - chủ vườn mai trên 1.000 chậu ở An Nhơn, nhìn nhận: “Nhờ “trời thương”, các vườn mai xuân năm nay đều vào nụ rất đều. Lượng xe về ăn mai tấp nập hơn năm rồi, ra Bắc vào Nam đủ cả. Bà con trúng mai mừng lắm! Riêng tui, mới bán lượt đầu, đã bỏ túi trên 100 triệu đồng. Nhiều nhà vườn “dày” vốn ở An Nhơn đang đầu tư sâu vào loại mai bonsai, chậu nhỏ, tuy thời gian dài nhưng dễ vận chuyển, lại được giá hơn mai ngắn ngày”.

Mai xuân Phú Yên lên xe vào Nam, ra Bắc.
Mai xuân Phú Yên lên xe vào Nam, ra Bắc.

Mai An Nhơn được thương lái săn mua về dưỡng quanh năm, mạnh nhất là khu vực TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cách tết 1 tháng, khi mai vào nụ đầy đủ thì lượng “đi” tăng gấp bội. Nhiều nhà vườn đã được thương lái đặt cọc trước cả năm. Giá mai An Nhơn luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng/chậu; mai bonsai có thế dáng độc thì còn cao hơn nhiều, vậy mà vẫn không thiếu người mua. Ông An nhẩm tính, với hàng triệu chậu mai đã “rời quê”, dân An Nhơn đã thu về hàng tỷ đồng tiền bán mai.

Theo nghệ nhân Hồ Thanh Điền, may mà trận lũ vừa qua chỉ dâng ngâm nước các vườn mai trong một ngày, chứ nếu ngâm dài ngày hơn thì chắc là chết sạch. Lũ vừa rút, nhà vườn phải phun nước ngay để rửa sạch bùn non cứu mai. “Coi như năm nay dân An Nhơn ăn tết lớn, bù lại bao nhiêu thất bát do lũ lụt” - ông Điền nói.

Tại Phú Yên, nghệ nhân Hoàng Ngọc Anh (làng Liên Trì, TP.Tuy Hòa) cho hay, trước Tết Giáp Ngọ, thời tiết lạnh và có nắng nhẹ, đây là điều kiện tốt để mai “dốc sức” ra hoa. Khác với mai Bình Định chủ yếu dành cho khách hàng thu nhập khá, mai Phú Yên có lượng khách hàng “bình dân” hơn. Ở vùng mai Tuy Hòa, mỗi chậu thường trồng dưới 5 năm, suất đầu tư thấp hơn vùng An Nhơn, nên giá bán cũng mềm hơn. “Mai Phú Yên hiện đang có mặt tại khoảng 60% tỉnh thành cả nước” – ông Anh khẳng định.

Hiện đang là cao điểm lặt lá ở các làng mai Tuy Hòa. Công việc lặt lá (để mai xuân dồn sức ra hoa đúng tết) khá nhẹ nhàng nên thu hút rất đông nhân công là phụ nữ, trẻ em; tiền công 70.000 – 80.000 đồng/người/ngày. Hàng trăm vườn mai ở Tuy Hòa luôn là nơi kiếm sống của hàng ngàn người với nghề uốn tỉa, làm cỏ, tưới nước, bón phân, vào chậu mai… quanh năm. Cuối năm, lại tấp nập nghề bốc hoa lên xe tải, trung chuyển mai bằng cộ bò từ những vườn mai có đường vào hẹp…

Đức Tuấn (Đức Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem