Các mô hình sản xuất, kinh doanh mởi ở huyện này của Thái Nguyên khiên dân khá giả, làng trù phú
Các mô hình sản xuất, kinh doanh mới ở huyện này của Thái Nguyên giúp dân khá giả, làng xóm trù phú
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 12/02/2025 08:06 AM (GMT+7)
Trong năm 2024, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) được giao hơn 8,1 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo, trong đó có xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn đó, huyện đã thực hiện nhiều dự án giảm nghèo mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, do đó, huyện Phú Bình luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác giảm nghèo. Từ đó, huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng trong phong trào "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Với nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được giao năm 2024 là hơn 8,1 tỷ đồng, huyện Phú Bình tập trung vào thực hiện các dự án giảm nghèo như: Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn đó, huyện Phú Bình đã tổ chức triển khai thực hiện 3 mô hình giảm nghèo gồm: Phát triển mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học năm 2024, kinh phí 1.354.700.000 đồng với 62 hộ tham gia (27 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo); Hỗ trợ mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản năm 2024, kinh phí 1.184.500.000 đồng với 43 hộ tham gia (34 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo); Mô hình trồng ngô ngọt tại huyện Phú Bình năm 2024, kinh phí 485.120.000 đồng với 202 hộ tham gia (76 hộ nghèo, 106 hộ cận nghèo và 20 hộ thoát nghèo).
Bà con ở xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhận bàn giao bò sinh sản theo Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Ảnh: M.H
Là một trong 40 hộ trên địa bàn huyện Phú Bình được tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện, bà Nguyễn Thị Chuyên (xóm Châu xã Tân Kim) chia sẻ: "Gia đình tôi rất vui vì nhờ có chương trình mà chúng tôi được hỗ trợ bò sinh sản. Chúng tôi đều nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương, hi vọng đàn bò phát triển tốt giúp chúng tôi ổn định cuộc sống."
Gia đình anh Dương Văn Quân, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: T.H
Cùng với đó là thực hiện Tiểu dự án 1 (Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) thuộc Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) với tổng kinh phí thực hiện năm 2024 là 1.837.208.428 đồng.
Nằm trong Tiểu dự án 1, huyện đã thực hiện dự án chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại xã Bảo Lý và thị trấn Hương Sơn với nguồn kinh phí 479.000.000 đồng. Đồng thời, huyện cũng triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ trồng cây khoai tây tại các xã Dương Thành, Nga My, Đào Xá, Nhã Lộng, Bảo Lý, Tân Kim, Thượng Đình, thị trấn Hương Sơn với 163 hộ tham gia (61 hộ nghèo, 75 hộ cận nghèo, 27 hộ mới thoát nghèo).
Tháng 2/2024, gia đình bà Dương Thị Thăng (xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) - một hộ có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm được hỗ trợ 300 con gà giống, 30 bao cám và thuốc thú y theo dự án chăn nuôi gà đồi an toan sinh học thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Sau một thời gian chăn nuôi, tháng 5/2024 vừa qua gia đình bà Thăng đã xuất bán đàn gà đầu tiên.
"Có được ít vốn từ bán gà, tôi cùng với con gái đầu tư mua 1.000 con vịt thịt và 40 con gà, ngỗng đẻ trứng về chăn nuôi tiếp. Vịt mới được xuất bán cho thu lãi trên 20 triệu đồng, còn đàn gà đã bắt đầu cho trứng. Hiện, gia đình tôi bước đầu có thu nhập ổn định từ chăn nuôi và có cơ hội thoát nghèo", bà Thăng cho biết.
Nuôi gà đồi an toàn sinh học trên địa bàn xã Tân Khánh (huyện Phú Bình) giúp nâng cao chất lượng thịt và giá cả ổn định. Ảnh: Hà Thanh
Qua những dự án trên đã tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và hạn chế tái nghèo; Ngoài ra còn giúp từng bước hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Giúp giảm nghèo hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ, có việc làm, tăng thu nhập, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ, nâng cao dần sự chuyển biến nhận thức của người dân trong việc phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, mạnh dạn tiếp cận khoa học kỹ thuật, bỏ thêm vốn vào đầu tư sản xuất, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng hộ và của địa phương, từ đó góp phần vào giảm nghèo bền vững.
Tạo sinh kế, giúp người dân giảm nghèo hiệu quả
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 73/179 hộ tham gia dự án thoát nghèo (chiếm tỷ lệ 40%).
Riêng năm 2024, trên địa bàn huyện Phú Bình giảm 634 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó giảm 361/306 hộ nghèo (đạt 118% kế hoạch tỉnh giao) và giảm 273/178 hộ cận nghèo (đạt 153,4% kế hoạch tỉnh giao).
Cũng trong năm 2024, bằng nguồn xã hội hoá huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 90 nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã hỗ trợ cho 48 hộ (xây mới 15 nhà, sửa chữa 33 nhà).
Theo ông Nguyễn Văn Bản – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, thông qua chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về giảm nghèo đa chiều được tăng cường; Người nghèo, người cận nghèo có cơ hội để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.