Các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, cách làm mới ở Củ Chi đang khiến tỷ lệ hộ nghèo giảm

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 16/02/2025 12:47 PM (GMT+7)
Để Chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo. Trong đó, từ huyện đến xã, thị trấn, ban ngành, đoàn thể tập trung cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Bình luận 0

Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả

Để giảm nghèo, những năm qua tại Củ Chi đã thực hiện chương trình chuyển giao mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học của Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi.

Ông Nguyễn Văn Trung (xã Phú Mỹ Hưng), một hộ vừa kết thúc chương trình chuyển giao mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học cho biết, khi thực hiện mô hình, tỷ lệ heo sống đạt 100%, tốc độ tăng trọng hơn 22kg/tháng/con, trọng lượng xuất chuồng sau 3,5 tháng nuôi là 100kg/con...

Củ Chi triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả - Ảnh 1.

Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đã giúp hộ ông Nguyễn Văn Trung (xã Phú Mỹ Hưng) giảm nghèo rồi vươn lên khá giả. Ảnh: T.Đ

Từ một hộ nghèo, nhờ tham gia Chương trình nuôi heo trên đệm lót sinh học, giờ hộ ông Trung đã thoát nghèo bền vững, thậm chí đã vươn lên hộ khá giả. Hiện, ông Trung vẫn duy trì mô hình nuôi heo và nuôi vịt trên nền đệm lót sinh học.

"Tính ra, trong 1 năm tôi nuôi 3 đợt heo thịt trên nền đệm lót sinh học, lời hơn 130 triệu đồng", ông Trung thổ lộ.

Trong năm 2024, với chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch của TP giao giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo (ước khoảng 500 hộ nghèo) và giảm 0,38% tỷ lệ hộ cận nghèo (ước khoảng 500 hộ cận nghèo), UBND huyện Củ Chi đã đề ra kế hoạch phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP, giai đoạn 2021 – 2025, với 919 hộ nghèo và giảm 0,52% tỷ lệ hộ cận nghèo (ước khoảng 680 hộ cận nghèo); không để hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách có công tái nghèo, tái cận nghèo.

Ông Nguyễn Trần Thanh Trung, cán bộ Trạm khuyến nông Củ Chi cho biết thêm, sau 2 năm sử dụng đệm lót được thay ra sẽ là nguồn phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng mà không cần phải qua công đoạn ủ nào khác góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và phù hợp với kế hoạch phát triển nông nghiệp tuần hoàn của địa phương.

Đặc biệt, nuôi heo trên nền đệm lót sinh học giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, tiết kiệm được chi phí vật liệu làm nền bê tông... Mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học còn được tích hợp vào kế hoạch nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chất thải từ chăn nuôi được tái sử dụng hiệu quả, tạo thành một chu trình khép kín, mang lại giá trị bền vững.

Ngoài chuyển giao mô hình xóa nghèo hiệu quả đến các hộ nghèo trên địa bàn, huyện Củ Chi còn đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các hộ này nhằm xóa nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Phơ (xã An Phú) cho biết, trước đây cuộc sống gia đình anh rất bấp bênh: Vợ anh đi làm công nhân, còn anh làm lao động tự do, ai thuê gì làm đó.

Củ Chi triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả - Ảnh 3.

Hội Nông dân xã An Phú giải ngân vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên, nông dân giảm nghèo. Ảnh: T.Đ

Nhờ được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Phơ đã đầu tư chăn nuôi bò sữa rồi chuyển sang trồng rau trong nhà màng khoảng 1.200 m2 với quy trình sản xuất khép kín, số lượng gieo trồng từng luống đối với các loại rau cũng được thực hiện theo chu kỳ nên mỗi ngày anh Phơ đều có rau để thu hoạch. Trung bình một ngày, anh bán khoảng 140kg rau cho khách.

"Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, với mô hình trồng rau, nếu ai muốn thực hiện thì tôi sẵn lòng giúp đỡ về cây giống để bà con trồng cùng thoát nghèo", anh Phơ khảng khái.

Theo UBND huyện Củ Chi, năm 2024, các ban ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình giảm nghèo, như: "Tổ hợp tác may gia công", "Tương trợ 3 + 1"…

Riêng Hội Nông dân huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện mô hình "Đồng hành cùng nông dân khó khăn", "Nông dân có giúp nông dân khó", "Ươm mầm ước mơ".

Tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo

UBND huyện Củ Chi cho biết, bằng nhiều giải pháp khác nhau, đến cuối tháng 5/2024, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP, giai đoạn 2021 – 2025. Huyện Củ Chi cũng không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025.

Củ Chi triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả - Ảnh 4.

Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, huyện Củ Chi đã về đích huyện nông thôn mới nâng cao, gắn đô thị hóa. Ảnh. Một tuyến đường hoa ở xả An Nhơn Tây. Ảnh: T.Đ

Để thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo, huyện đã tổ chức khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đồng thời, ban hành kế hoạch, đề ra lộ trình, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực, chi tiết để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong đó, toàn huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững.

Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Phạm Phú Cường cho biết, Hội Nông dân đã tích cực nắm chắc hộ nghèo với các chiều thiếu hụt, tập trung tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp giúp hội viên, nông dân vượt lên chính mình để thoát nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem