Các nhà khoa học tiết lộ kế hoạch dùng máu người để dụ 'người ngoài hành tinh' trên sao Hỏa lộ diện

Phương Đăng (theo Daily Star) Thứ hai, ngày 10/02/2025 19:44 PM (GMT+7)
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch tạo ra một cái "bẫy ma cà rồng", sử dụng một chất có trong máu người để dụ các sinh vật ngoài hành tinh đang ẩn náu trên sao Hỏa lộ diện, Daily Star đưa tin.
Bình luận 0
Các nhà khoa học tiết lộ kế hoạch dùng máu người để dụ 'người ngoài hành tinh' trên sao Hỏa lộ diện - Ảnh 1.

Người ngoài hành tinh liệu có thật sự tồn tại trên sao Hỏa? Ảnh Daily Star.

Các nhà sinh vật học vũ trụ đang phát triển một thiết bị mà họ hy vọng sẽ kích thích các vi khuẩn ngoài hành tinh đang ẩn náu lộ diện. Thành phần chính của thiết bị này là một loại axit amin phổ biến có nhiều trong máu người.

Theo đó, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện ra hóa chất – L-serine – và các axit amin tương tự trong thiên thạch. Chúng rất quan trọng đối với khả năng tổng hợp protein của nhiều sinh vật.

Các cuộc thử nghiệm đã chỉ ra rằng vi khuẩn sống sót trong điều kiện khắc nghiệt nhất của Trái Đất đã bị thu hút bởi L-serine. Các nhà khoa học đã tạo ra một cỗ máy chứa chất này có thể hạ cánh trên sao Hỏa và dụ các vi khuẩn hoặc sinh vật sống ngoài hành tinh lộ diện và từ đó, họ có thể chứng minh sự sống tồn tại trên Hành tinh Đỏ.

Max Riekeles, cựu kỹ sư hàng không vũ trụ hiện đang làm việc về nghiên cứu dấu hiệu sinh học ngoài Trái Đất tại Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức cho biết: "Đây có thể là một cách đơn giản để tìm kiếm sự sống trong các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai. L-serine, loại axit amin đặc biệt được sử dụng, chúng ta có thể tự tạo ra nó trong cơ thể mình".

Chất này cũng phổ biến trên khắp các đại dương của Trái Đất, trong các hệ sinh thái tối tăm, khác thường bao quanh các lỗ thông thủy nhiệt dưới biển sâu.

Thiết bị của ông Riekeles dựa trên một hiện tượng gọi là chemotaxis - một quá trình mà vi khuẩn di chuyển để phản ứng với các hóa chất gần đó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều sinh vật nhỏ di chuyển về phía nồng độ L-serine cao hơn.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Astronomy and Space Sciences, Riekeles và nhóm của ông đã thử nghiệm hệ thống này bằng cách sử dụng ba loài sinh vật có khả năng phát triển mạnh trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của Trái Đất.

Mỗi loài được chọn để đại diện cho các dạng sống ngoài hành tinh nhỏ bé có thể tồn tại ở nơi khắc nghiệt như bề mặt sa mạc bị tia vũ trụ phá hủy của sao Hỏa hay các mặt trăng băng giá của sao Mộc.

Một loại vi khuẩn được tìm thấy ở các đại dương ngoài khơi Nam Cực phát triển mạnh ở nhiệt độ cực lạnh và "môi trường mặn" như trên sao Hỏa, ông Riekeles cho biết. Một loại khác - một dạng vi khuẩn phát triển lớp vỏ bảo vệ để chịu được nhiệt độ lên tới 100 độ C.

Trong khi loại thứ ba - được tìm thấy ở Biển Chết - có thể chịu được mức độ bức xạ mạnh tương tự như môi trường ở trên sao Hỏa.

Cả ba loại vi khuẩn trong nghiên cứu đều di chuyển từ buồng mẫu về phía L-serine với tốc độ nhanh. Giáo sư về khả năng sinh sống của hành tinh Dirk Schulze-Makuch, người đã làm việc với ông Riekeles, cho biết thiết bị này có thể tìm thấy vi khuẩn ngoài hành tinh nếu tàu vũ trụ có thể hạ cánh xuống một nơi có "nước lỏng".

Ông cho biết vùng cao nguyên phía nam của sao Hỏa hoặc những địa điểm có độ cao thấp như đáy hẻm núi Valles Marineris hoặc bên trong các hang động nơi "áp suất khí quyển đủ để duy trì nước lỏng" là những địa điểm ưa thích để săn tìm sinh vật sống ngoài hành tinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem