Các nước chạy đua ký “hợp đồng đặt cọc” khiến vaccine Covid-19 sốt giá

19/08/2020 14:48 GMT+7
Cuộc đua tìm kiếm cũng như sở hữu vaccine Covid-19 ngày càng kịch tính đang tạo nên cơn sốt giá và đặt câu hỏi về mức độ an toàn, hiệu quả của vaccine.

Kể từ sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V, cuộc đua tìm kiếm cũng như sở hữu vaccine thêm phần sôi động và kịch tính. Hiện có nhiều lo ngại để nhận được các hợp đồng đặt cọc hàng tỷ USD, các quốc gia đang gấp rút “đốt cháy giai đoạn” để tiến tới vạch đích. Điều này đang tạo nên một cơn sốt giá cũng như đặt câu hỏi về mức độ an toàn và hiệu quả của những loại vaccine đang được cả thế giới kỳ vọng.

Các nước chạy đua ký “hợp đồng đặt cọc” khiến vaccine Covid-19 sốt giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Trung Quốc hôm qua (18/8) thông báo, một loại vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm sản xuất sẽ không vượt quá 144,27 USD cho 2 mũi tiêm. Chưa rõ mức giá cụ thể nhưng mức trần như vậy của Trung Quốc được cho là cao hơn nhiều so với thông báo của các tập đoàn khác.

Trước đó có một số tập đoàn đã thông báo giá vaccine, với Moderna dao động khoảng 32-37 USD/liều, trong khi tập đoàn Pfizer và đối tác BioNTech tại Mỹ có giá khoảng 40 USD/liều. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đang có một cuộc đua hợp đồng vaccine, với những quốc gia giàu bỏ hàng tỷ USD để sở hữu những vaccine đầu tiên cho mình. Điều này có thể khiến nguồn cung vaccine giảm, dẫn đến sự thiếu hụt trên toàn cầu, đẩy giá vaccine tăng phi mã, đặt ra thách thức đối  với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc đã thể hiện trong đại dịch và là một trong những nguyên nhân gây ra sự thất bại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đã có giai đoạn một số nước không nhận được những nguồn cung quan trọng, ví dụ như các nhân viên y tế đối phó với dịch bệnh đang gia tăng. Vì vậy chúng ta không nên lặp lại những sai lầm và cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine”.

Ngoài vấn đề đảm bảo phân phối vaccine công bằng, lợi nhuận khổng lồ do các hợp đồng vaccine mang lại cũng khiến cuộc đua gay gắt hơn. Ngay sau khi Nga "nổ phát súng" đầu tiên, hàng loạt quốc gia cũng đang gấp rút các kế hoạch nhằm tiến tới vạch đích.

Trong cuộc đua này, Trung Quốc được đánh giá bám đuổi sít sao với Nga, trong khi Tập đoàn nghiên cứu vaccine của Anh AstraZeneca cũng nhận được những hợp đồng đặt cọc lớn.

Vaccine ngừa Covid-19 được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử y học. Cuộc đua ngày càng gay cấn giữa các quốc gia khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại về mức độ an toàn và hiệu quả khi các nước sẽ rút ngắn quá trình phê duyệt vaccine.

Hiện cũng có nhiều lo ngại việc các quốc gia chạy đua tích trữ vaccine trong khi loại trừ các biện pháp ngăn ngừa khác có thể làm trầm trọng thêm đại dịch. Hàng loạt các nước như Liên minh châu Âu, Anh, Thụy Sĩ liên tiếp ký thỏa thuận với các công ty thử nghiệm vaccine tiềm năng, trong khi Nga và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu các vaccine của riêng mình. Việc các nước đều nghĩ đến lợi ích quốc gia của mình sẽ cản trở các sáng kiến toàn cầu.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Adhanom Ghebreyesus hôm qua đã gửi một lá thư tới 194 quốc gia thành viên kêu gọi các nước tích cực tham gia sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX  toàn cầu.  Tổ chức Y tế thế giới đặt ra thời hạn là 31/8 tới để các quốc gia tham gia vào Sáng kiến chia sẻ vaccine.

Cho đến nay, Sáng kiến đã thu hút sự quan tâm của 92 quốc gia đang phát triển với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tự nguyện và 80 quốc gia giàu có hơn sẽ tài trợ cho chương trình. Một số quốc gia cho biết đang hoàn thiện các điều khoản để tham gia sáng kiến trước thời hạn chót 31/8.

Phạm Hà/VOV1
Cùng chuyên mục