Các tình huống pháp lý vụ mạo danh ngân hàng lừa hơn 600 người ở TP.HCM

Quang Trung Thứ tư, ngày 28/09/2022 18:57 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận vụ Nguyễn Hoàng Thạch thuê 82 người giả nhân viên ngân hàng gọi điện giới thiệu gói vay lãi suất 0 đồng, lừa hơn 600 nạn nhân nộp tiền "bảo hiểm khoản vay" rồi chiếm đoạt.
Bình luận 0

Lật tẩy đường dây mạo danh ngân hàng lừa hơn 600 người ở TP.HCM

Các đơn vị thuộc Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây lừa đảo mạo danh ngân hàng do Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu.

Các tình huống pháp lý vụ mạo danh ngân hàng lừa hơn 600 người ở TP.HCM - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Thạch (trái) cùng một số đồng phạm. Ảnh: Nhật Vy

Theo công an, Thạch thuê một căn nhà trên đường Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) và sắp xếp cho 82 người làm việc tại ba tầng của căn nhà trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thạch cung cấp cho nhóm trên danh sách nhiều người, kịch bản được soạn sẵn và hướng dẫn nhóm sử dụng điện thoại bàn gọi điện cho người có tên trong danh sách để tư vấn cho vay.

Nhóm trên mạo danh nhân viên ngân hàng đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay từ 20 đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%.

Khách hàng nếu đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Nếu khách hàng đồng ý vay thì nhóm trên sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng.

Sau đó, nhóm của Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm một thẻ ngân hàng giả cho khách. Đồng thời, nhóm này nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay.

Khi khách nhận được hồ sơ giả nói trên thì sẽ tin tưởng trả phí bảo hiểm tiền vay cho nhân viên bưu điện bằng tiền mặt. Sau đó, Thạch liên hệ bưu điện lấy số tiền trên rồi chiếm đoạt.

Bước đầu, nhóm Thạch khai đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên cả nước, riêng ở TP.HCM nhóm này lừa hơn 600 người.

Có dấu hiệu vi phạm nhiều tội danh

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc này, thông tin ban đầu được biết, các đối tượng đưa ra thông tin gian dối để nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt số tiền của nạn nhân nên đã có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các tình huống pháp lý vụ mạo danh ngân hàng lừa hơn 600 người ở TP.HCM - Ảnh 3.

Bên trong ngôi nhà các đối tượng thực hiện hành vi gọi điện mạo danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Đ.L

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng hành vi được xác định là tái phạm nguy hiểm hoặc đã bị xử phạt hành chính…người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Ông Cường cho biết, nếu các đối tượng trong vụ án bị xử lý về tội danh trên có thể sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như thực hiện hành vi 2 lần trở lên, có tổ chức, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu trở lên hoặc từ 200 đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 174, các đối tượng có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của từng người. Trong đó, nếu 82 người được Thạch thuê biết rõ hành vi của hắn nhưng vẫn giúp sức hoặc trực tiếp đưa ra thông tin gian dối để lừa gạt các nạn nhân thì sẽ bị xử lý bằng những chế tài của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thông tin khách hàng các đối tượng này lấy ở đâu ra. Nếu có căn cứ cho thấy những người bán thông tin cho nhóm này biết rõ là thông tin được sử dụng để thực hiện hoạt động lừa đảo, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố những người bán cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng còn có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nếu có căn cứ sẽ xử lý thêm một tội danh nữa là tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ" chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem