Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm các cấp Hội ND tích cực thực hiện trong thời gian qua.
TS Nguyễn Duy Lượng
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 (CT 26) của Thủ tướng Chính phủ “Về tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND” (2001-2011) cho thấy, những địa phương thực hiện nghiêm túc CT26 thì dân chủ cơ sở ở địa phương đó được phát huy, khiếu kiện giảm, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Có được điều đó là do công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho hội viên, ND được các cấp Hội ND tích cực tham gia, bằng nhiều hình thức phù hợp với tâm lý, đời sống sản xuất, sinh hoạt, tập quán của ND. Đó là lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, nhóm ND cùng sở thích, các loại hình CLB ND, trong đó có CLB ND với pháp luật; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho ND…
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là đối tượng ND, đồng bào DTTS, miền núi. Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của Hội.
Tình hình khiếu kiện, nhất là khiếu kiện về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng trong thu hồi đất liên quan đến ND vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều bất ổn nếu không có cách thức giải quyết hợp lý, hài hòa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Hội NDVN đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND…
T.Ư Hội NDVN rất hoan nghênh việc Hội ND tỉnh An Giang xây dựng Đề án “Nâng cao kiến thức pháp luật cho ND người dân tộc thiểu số Khmer” gửi tham gia dự thi Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam. Phấn khởi hơn khi đề án được trao giải xuất sắc và được Ngân hàng Thế giới tài trợ kinh phí để tổ chức thực hiện. Điểm đáng chú ý là cách thức vận hành của đề án phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lấy các đối tượng cốt cán, có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương để tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức chủ yếu ở các chùa- một trong những thiết chế văn hóa quan trọng của người Khmer. Đặc biệt, thông qua các sư sãi, à cha, kiến thức pháp luật sẽ được tuyên truyền, diễn giải bằng tiếng Khmer một cách dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp.
Với những ưu điểm đó, tính thuyết phục rất cao, việc thực hiện Đề án “Phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer qua sư sãi, à cha” của Hội ND An Giang sẽ rút ra những kinh nghiệm quý, cách làm hay để có thể nhân rộng ra các địa phương khác.
Nguyễn Công (ghi) (Nguyễn Công (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.