Cách làm “lấy nhỏ nuôi lớn” ở Tường Phù

Thứ ba, ngày 20/05/2014 09:32 AM (GMT+7)
"Vùng quê này nghèo lắm, đất sản xuất rất hạn chế, đời sống của bà con các dân tộc nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội phải hướng dẫn, giúp bà con xoá nghèo phù hợp" - bà Hoàng Thị Thìn - Chủ tịch Hội nông dân (ND) xã Tường Phù, huyện Phù Yên, Sơn La tâm sự.
Bình luận 0
Tường Phù là xã thực hiện di dân Thuỷ điện Hoà Bình hơn 30 năm trước. Ngày ấy chưa có chính sách tái định cư như bây giờ nên Tường Phù gặp rất nhiều khó khăn.

Tìm lợi thế trong khó khăn

Hội ND xã xác định: Phải giúp ND bứt phá, vươn lên từ chính mảnh đất này. Phải tìm ra những lợi thế trong điều kiện khó khăn hiện tại để phát huy nội lực người dân.

"Hội đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Hội cấp trên đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây trồng trên nương, dưới ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; đồng thời phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH huyện thành lập 5 tổ vay vốn, giúp bà con xoá đói nghèo. Hiện số dư nợ qua kênh Hội ND xã quản lý lên tới trên 3,2 tỷ đồng với hơn 200 hộ đang vay vốn" - bà Thìn cho biết.

Các hộ ND ở Tường Phù góp vốn mua chung gần 100 máy cày tay phục vụ sản xuất.   Kiều Thiện
Các hộ ND ở Tường Phù góp vốn mua chung gần 100 máy cày tay phục vụ sản xuất.

Có vốn, có kỹ thuật, lại được cán bộ hội, cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chỉ bảo cách làm ăn, động lực xoá nghèo ở Tường Phù được khơi lên mạnh mẽ. "Cán bộ hướng dẫn chúng tôi đưa giống lúa, giống ngô mới vào trồng; mua phân bón cho cây trồng, trồng xen rau xanh trên đất lúa, đất nương; nhà có điều kiện giúp nhà khó khăn giống gà, vịt, lợn, dê, cây ăn quả, mấy cân phân đạm, kali...

Hộ nào làm tốt được Hội biểu dương, khen thưởng; hộ làm yếu thì nhắc nhở, phân công các hộ làm giỏi giúp đỡ. Nhờ thế, năng suất lúa của xã đạt gần 7 tấn/ha, các hộ có đủ gạo ăn khi giáp hạt" - chị Hoàng Thị Yên, ND bản Bùa Chung 2 tâm sự.

Xóa nghèo từ nội lực

Tuy đời sống của ND đã có những khởi sắc nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Tường Phù bước sang năm 2014 vẫn cao: 19% số hộ nghèo và hơn 60% số hộ cận nghèo.

"Hộ nào làm tốt được Hội biểu dương, khen thưởng; hộ làm yếu thì nhắc nhở, phân công các hộ làm giỏi giúp đỡ...”.

Chị Hoàng Thị Yên

Đến thăm hộ gia đình anh Lò Văn Tươi, bản Bùa Chung 3, anh bảo: "Tôi vừa thoát nghèo được 1 năm nay. Tuy vẫn nằm trong hộ cận nghèo nhưng với những kinh nghiệm sản xuất tích luỹ được trong mấy năm qua, lại được Hội ND quan tâm giúp vay vốn hộ cận nghèo nên chắc chỉ 2 năm nữa là tôi sẽ có mức sống trung bình".

Cách xoá nghèo của anh Tươi cũng như một số hộ khác trong bản là chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn có thu nhập thấp sang trồng cây mía và chăn nuôi gia súc nhỏ, gia cầm. Anh Tươi cho biết thêm: Mấy năm nay, nhiều hộ ở đây trồng mía và thu nhập cao hơn trồng hoa màu tới 2 lần, như nhà ông Lò Văn Hiệp, Lò Văn Hiếu đạt tới 120 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, tôi còn được mấy hộ khác cho vay vốn bằng con giống dê, lợn. Chỉ vài năm nữa là đàn dê của tôi sẽ có sản phẩm bán; còn đàn lợn thì lợn nái mới sinh, cuối năm nay cũng có 5-6 tạ lợn hơi bán.

Tường Phù đang vận động nội lực để xoá nghèo - đấy là cảm nhận của chúng tôi khi đến với xã. Chỉ riêng số lượng máy xay xát đáng nể: Toàn xã có gần 650 máy. Lý giải về việc gần 2 hộ là có một máy xay xát, ông Lò Văn Viết, hộ ND SXKD giỏi ở bản Bùa Chung 3 bảo, xã có gần 1.400 con trâu, bò; hơn 3.600 con dê, lợn và hàng chục ngàn gia cầm, nhiều lồng cá… lại có điện lưới. Đi làm đồng về muộn, gà lợn… đói, cứ bật máy lên một lát là có thức ăn cho chúng, vừa rẻ hơn mua thức ăn gia súc chế biến sẵn, lại chủ động về thời gian...
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem