Ở nước ta, bạo lực ở nơi công cộng như trường học, ngoài đường, nơi sinh hoạt hội hè, nơi giải trí hay ăn uống... và bạo lực nơi không gian riêng tư như ở trong gia đình là rất nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức xấu hổ nếu ai đó đã từng sống ở các xã hội được coi là văn minh hơn.
Gia tăng xu hướng giải quyết bằng bạo lực
Nhưng những nguyên nhân cốt yếu nào dẫn đến bạo lực? Theo các nhà xã hội học, bạo lực có thể xuất phát từ xung đột và phần lớn căn nguyên của xung đột là sự bất bình đẳng. Bất bình đẳng có thể thấy rõ qua sự khác biệt về thu nhập, về sở hữu tài sản hữu hình, về lợi ích, về cơ hội trong giáo dục, việc làm, vị trí xã hội, và về quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe, vui chơi, đi lại, cư trú...
Các nhà xã hội học cho rằng trong xã hội, nhóm giàu mạnh luôn có hành động bảo vệ vị trí và lợi ích của mình. Đồng thời, nhóm yếu thế cũng tập trung vào hành động vươn lên giành lấy lợi ích. Sự trỗi dậy của tính hung hãn, hay là sự ưa dùng bạo lực để giải quyết các quan hệ cá nhân hay xã hội thực ra không mới. Thời nào cũng có nhưng mức độ có thể khác nhau và sự tiếp nhận cũng như lý giải nó cũng khác nhau. Nhưng nếu coi đó là căn bệnh của xã hội, dù xếp vào hàng nan y, tất nhiên sẽ có thuốc chữa.
Nhưng rất nhiều người trong khi giải quyết bạo lực, đã thiếu kiên nhẫn và cuối cùng lại rơi vào cái bẫy của việc dùng chính bạo lực để giải quyết bạo lực. Thất bại trong việc kiên trì giải thích, thuyết phục, và khuyên giải, người ta lại quay lại sự áp chế như là giải pháp nhanh gọn nhất, đỡ mất thời gian nhất, có hiệu quả tức thời.
Bố thay vì nhẫn nại giáo dục con cái thì quát mắng và trấn áp. Chồng thay vì giải thích cụ thể cho vợ thì thẳng tay đánh đập. Xô xát nhau ngoài đường thay vì hòa giải và tìm giải pháp hai bên cùng có lợi thì dùng nắm đấm hay vũ khí. Khi miệng ngừng nói thì tay chân lên tiếng. Trong trường hợp đó, bạo lực chỉ được nhân lên, chứ không hề được giảm thiểu đi.
Cách nào gỡ nắm đấm?
Tôi xin kể lại một câu chuyện được chia sẻ mới đây về thử nghiệm của một giáo sư giảng dạy về luật ở Trường Đại học Pepperdine, Mỹ. Trong giờ học liên quan đến giải quyết xung đột, ông yêu cầu các sinh viên chia hai hàng và đứng đối diện nhau. Ở bên trái, giáo sư yêu cầu mọi người nắm tay thành nắm đấm và giơ thật gần vào trước mặt người đứng ở hàng bên phải. Sau đó, ông bắt người đối diện gỡ nắm đấm đó ra một cách nhanh nhất.
Lập tức, mọi người dùng sức cánh tay và ngón tay để hành động. Chưa đầy 1 phút, vị giáo sư hô dừng. Ông nói rằng nếu không dừng kịp thời thì có thể có người bị gãy cả ngón tay, chảy máu. Trong cuộc sống cũng thế, ông nói, khi cảm thấy bị đe dọa bằng bạo lực một cách trực tiếp, con người ta có thiên hướng dùng bạo lực ngay tức khắc để đáp trả. Rất ít người dùng những cách làm phi bạo lực, chẳng hạn sự thuyết phục mềm mỏng và kiên nhẫn bằng lời nói. Không ai trong số các sinh viên đứng ở đã nói với người đối diện mình những câu tựa như: “Bạn có thể mở bàn tay ra được không, làm ơn?”.
Hãy chìa bàn tay với nhau, đừng giơ nắm đấm. Đó cũng là một phần thông điệp mà ông giáo sư muốn nhắn nhủ, để giải quyết những xung đột một cách ôn hòa nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi coi bạo lực là một cái cố hữu, là một loại hằng số của loài người nói chung, nghĩa là cứ là con người sẽ có thiên hướng bạo lực, thì hạn chế tối đa nhược điểm này vẫn là một cách tốt nhất để đạt tới trình độ văn minh cao hơn.
TS Đỗ Văn Quân (Viện Xã hội học): “Căn bệnh” nóng của xã hội
Ưa thích sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hiện là “căn bệnh” nóng của xã hội hiện đại. Nguyên nhân sâu xa của hành vi này do những bất ổn trong lòng xã hội hiện đại ở Việt Nam. Hành vi này là kết quả của chuỗi dài cộng dồn những áp lực, phẫn uất của con người lâu ngày bị dồn nén chưa có cơ hội bộc phát. Chính vì vậy khi có cơ hội, con người ta thường không thể kìm chế.
Minh Nguyệt (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.